Đó là một trong những nội dung quy định tại nghị định của Chính phủ ban hành ngày 3/7 về cơ chế mua bán trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Cụ thể, việc mua bán trực tiếp điện được thực hiện theo 2 phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (thuộc quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN).
Với cơ chế qua đường dây riêng, bên phát năng lượng được tham gia gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất, nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.
Đơn vị phát năng lượng tái tạo và khách hàng hàng lớn sẽ ký hợp đồng mua bán với điều kiện, mức giá do hai bên thỏa thuận. Với phần điện dư thừa, bên phát điện có thể bán lại cho EVN qua hợp đồng mua bán, quy định về công suất, sản lượng, giá. Còn bên mua điện, ngoài mua trực tiếp từ bên phát năng lượng tái tạo, được mua bán điện với tổng công ty điện lực, hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải tổng công ty điện lực.
Dự án điện gió, mặt trời tham gia mua bán điện trực tiếp qua EVN phải có công suất trên 10MW. Việc bán điện của đơn vị phát năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và mua bán qua tổng công ty điện lực. Giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay, được xác định bằng tổng của giá điện năng, công suất thị trường trên thị trường bán buôn.
Trong cả 2 phương án bán điện qua và không qua EVN, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 200 ngàn kWh.
PHÚ XUÂN