Chưa bao giờ hoạt động cảng biển sôi động như hiện nay khi siêu tàu liên tục cập cảng, nhiều tuyến tàu mới chọn Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) làm điểm đến.
Tàu MSC Tokyo cập cảng SSIT vào ngày 12/7. |
Những tín hiệu vui
Ngày 12/7, cảng SSIT đã đón thành công tàu MSC Tokyo thuộc tuyến dịch vụ BRITANNIA. Đây là tuyến trực tiếp đến châu Âu đầu tiên của hãng tàu MSC tại Việt Nam, cũng là hãng tàu container lớn nhất thế giới. Đồng thời là một trong những DN toàn cầu hàng đầu về lĩnh vực vận chuyển và logistics có trụ sở chính tại Thụy Sĩ.
Phát biểu tại sự kiện này, bà Trương Anh Kiều, Giám đốc kinh doanh, hãng tàu MSC Việt Nam cho biết, việc tàu MSC Tokyo cập cảng SSIT đánh dấu dịch vụ trực tiếp đầu tiên kết nối Việt Nam với Bắc Âu. Bằng việc kết nối trực tiếp Việt Nam với Bắc Âu, MSC đang mở ra những chân trời mới cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, cung cấp cho DN những giải pháp vận chuyển hiệu quả hơn, đáng tin cậy và nhanh chóng hơn.
Trước đó, ngày 11/5 cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã tiếp nhận thành công tàu Seaspan Beyond, chuyến tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ AP1 kết nối Việt Nam với Bờ Tây Mỹ.
Đây là tuyến dịch vụ do hãng tàu Wan Hai (Đài Loan) và hãng tàu Ocean Network Express (Nhật Bản) cùng khai thác, nhằm nâng cấp, tăng cường mạng lưới kết nối hàng hóa của các hãng tàu đến Bờ Tây Hoa Kỳ. Việc khai thác thêm các tuyến dịch vụ đi Mỹ tại khu vực CM-TV mở ra nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam tiếp cận, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới và đem đến tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay còn nhiều khó khăn.
Thống kê 6 tháng đầu năm, cảng Gemalink đạt 804.000 TEU, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, Gemalink cũng đón thêm nhiều tuyến dịch vụ mới. Ngoài 8 chuyến tàu định kỳ hàng tuần, cảng đã nhận thêm hơn 10 chuyến tàu ad-hoc (tàu ngoài lịch trình cố định) do các hãng tàu đưa vào nhằm giải phóng lượng hàng bị tắc nghẽn tại Singapore.
Ông Phạm Duy Phương, Phó Giám đốc cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) cho biết, từ đầu năm đến nay hoạt động của cảng khá sôi động, lượng hàng tăng khoảng 20%.
Theo Cảng vụ Hàng Hải Vũng Tàu, số tuyến dịch vụ tàu container xuất phát từ các cảng biển tại khu vực CM-TV đi châu Âu, Mỹ và châu Á tăng trưởng ấn tượng. Tính tới thời điểm này có 37 tuyến dịch vụ quốc tế, tăng 3 tuyến so với năm 2023. Cụ thể, 13 tuyến nội Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu và 1 tuyến Âu - Mỹ. Ngoài ra, còn có 14 tuyến nội địa. Dự kiến trong quý III/2024, sẽ có thêm 2-3 tuyến dịch vụ đi châu Âu trực tiếp từ CM-TV.
Thêm chính sách tạo thuận lợi
Cục Hàng hải Việt Nam dự báo, những tháng tới hàng hóa qua cảng biển sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đặc biệt là xung đột giữa một số nước trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển.
Trước những khó khăn đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cảng biển. Đơn cử như Bộ GT-VT vừa ban hành Thông tư số 12/2024 /TT-BGTVT quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam. Theo đó, quy định mới có khung giá riêng dành cho dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng nước sâu gồm bến cảng Lạch Huyện và khu vực CM-TV tăng thêm 10%.
Cụ thể tại khu vực cảng nước sâu, giá bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất cho mỗi container 20 feet là 57 - 66 USD và cho mỗi container 40 feet là 85 - 97 USD. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển dao động từ 34 - 40 USD/container 20 feet và 51 - 58 USD/container 40 feet. Giá dịch vụ cảng biển tăng sẽ mang lại nguồn tài chính để DN cảng biển tiếp tục tái đầu tư xây dựng, tăng năng suất khai thác để đón nhận cơ hội mới.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN