Tình trạng ùn ứ diễn ra khá nghiêm trọng ở cảng container Singapore mang đến cơ hội cho cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) khi một số hãng tàu lớn đã chuyển hướng làm hàng tại đây.
Siêu tàu cập Cảng Gemalink. |
Hãng tàu chuyển hướng
Theo Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC), tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại Singapore - cảng container lớn thứ hai thế giới đã lên đến mức nghiêm trọng. Singapore là thương cảng lớn thứ hai về sản lượng sau cảng Thượng Hải, nhưng là trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới. Trong điều kiện bình thường, các tàu hàng chỉ chờ khoảng nửa ngày để vào cảng, nhưng hiện nay phải chờ đến một tuần và khoảng 480 ngàn container/20 feed đang chịu tình trạng ùn ứ dài ngày.
Cảng Singapore bị ùn ứ không chỉ dẫn đến tăng chi phí vận chuyển mà còn làm chậm quá trình lưu thông hàng hóa quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, nếu việc ùn ứ kéo dài thì có thể thay đổi chuyển trung tâm chuyển giao hàng hóa từ Singapore sang các nước láng giềng, trong đó có CM-TV của Việt Nam.
Hiện một số tàu đã buộc phải bỏ ghé Singapore theo kế hoạch ban đầu để chuyển đến Malaysia, Trung Quốc. Điều này dẫn đến số tàu container chờ cập cảng Port Klang và Tanjung Pelepas của Malaysia hay Thượng Hải của Trung Quốc với số lượng tàu chờ cập cảng xếp hàng dài.
Đại diện Cảng Gemalink cho biết, việc chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng nhiều vấn đề, đồng thời cũng tạo ra cơ hội. Thời điểm này có thêm 10 hãng tàu đã đưa một số chuyến tàu về cảng nước sâu Gemalink để giảm tải cho việc ùn ứ tại cảng Singapore, giúp Gemalink gia tăng sản lượng. Ngoài ra, sắp tới nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, một số hãng tàu sẽ phải chuyển hướng sang khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có cụm cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận các tàu cỡ lớn.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng biển lớn trong khu vực, trong chừng mực nào đó các đơn vị cảng biển cần nhìn nhận đây là cơ hội hiếm có để đón nguồn hàng có khả năng dịch chuyển mạnh mẽ về Việt Nam. Trong đó, với vị trí chiến lược nằm gần Singapore và là cửa ngõ quan trọng của Đông Nam Á, CM-TV có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các DN logistics.
Xếp dỡ hàng container tại cảng TCIT. |
Đầu tư hạ tầng cảng biển và vận tải
Để tận dụng cơ hội từ tắc nghẽn cảng biển Singapore và về lâu dài thu hút các hoạt động logistics từ đây, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ và Bộ GT-VT cần tiếp tục đầu tư và mở rộng hạ tầng cảng biển CM-TV. Điều này bao gồm xây dựng thêm cầu cảng, kho bãi lưu trữ hàng hóa hiện đại và hệ thống logistics hậu cần tiên tiến; cải thiện năng lực xử lý hàng hóa và giảm thiểu thời gian chờ đợi sẽ giúp thu hút các tàu container.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện quy trình hải quan và giảm thủ tục hành chính để tăng cường hiệu quả lưu thông hàng hóa. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của CM-TV, thu hút các DN logistics quốc tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics chất lượng cao nhằm cung cấp các dịch vụ gia tăng như bốc xếp, lưu kho, vận chuyển nội địa và dịch vụ hậu cần hiệu quả; mở rộng mối quan hệ đối tác với các công ty logistics lớn để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.
Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại Cảng Gemalink. |
Theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý, môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, trước mắt để đón nhận cơ hội này phải tăng cường duy tu nạo vét, bảo dưỡng các tuyến luồng trọng điểm quốc gia khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, sẵn sàng tiếp nhận tàu lớn ra vào. Việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và quản lý cảng biển cũng cần được chú trọng nhằm nâng cao năng lực vận hành và quản lý của CM-TV, từ đó thu hút các nhà đầu tư và DN logistics quốc tế.
Bài, ảnh: AN NHẬT