Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV vừa mới được thông qua. Đáng chú ý, thông tin Quốc hội chính thức đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT (từ 10% xuống 8%) với một số nhóm mặt hàng khiến DN, người dân “thở phào” nhẹ nhõm.
Theo Nghị quyết, Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Với quyết sách này, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm 2% thuế VAT (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đặc biệt, chính sách giảm thuế VAT 2% được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân, không phân biệt quy mô DN. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, chính sách sẽ có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời việc áp dụng chính sách này còn góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Đối với người dân, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao phải thắt chặt chi tiêu thì việc giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp khi mua hàng, kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.
Còn đối với DN, trước tình hình đơn hàng xuất khẩu giảm, thị trường tiêu thụ nội địa cũng giảm thì việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, DN có thể tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là trong 6 tháng cuối năm 2024. Bên cạnh đó, khi chi phí đầu vào cho sản xuất như nguyên vật liệu, phụ tùng… được giảm thuế, DN có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Thông tin từ đại diện một DN cho biết, việc giảm thuế VAT giúp đơn vị này tiết kiệm rất nhiều chi phí phát sinh, nhất là giảm được vài tỷ đồng tiền thuế 6 tháng cuối năm. Số tiền này là nguồn vốn giúp DN đầu tư mở rộng thị trường, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cũng như tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.
VÕ THANH