Đó là thông điệp chủ đạo trong lời kêu gọi của ngành TN-MT nhân ngày Môi trường thế giới trước thực trạng đất đai đang ngày càng bạc màu, thoái hóa, ô nhiễm, khô hạn…
Do đất đai bạc màu, khô hạn nên chi phí sản xuất tăng. Trong ảnh: Anh Vũ Văn Đam thu hoạch rau. |
92.000ha đất thoái hóa
Anh Vũ Văn Đam (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) có 3 sào đất canh tác rau xà lách, rau thơm. Anh Đam cho biết, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn do khô hạn kéo dài. Những ngày trời nắng nóng, anh phải tưới ngày 3 cữ (khoảng 4m3) mới đủ nước cho cây. “Do đất khô hạn, mất độ phì nhiêu nên chi phí tưới tăng gấp đôi so với những năm trước, mỗi tháng tốn gần 1 triệu đồng tiền điện, trừ chi phí, lời lãi không còn bao nhiêu”, anh Đam nói.
Mùa khô 2024 kéo dài đến cuối tháng 5 mới có những trận mưa đầu tiên. Nhiều vùng nông thôn đất đai cạn kiệt vì nắng hạn.
Gia đình anh Cao Văn Thắng, ngụ ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đang canh tác 5ha mía và 5ha chuối. Vườn mía và vườn chuối của gia đình anh nằm sát tuyến kênh mương trữ nước KT1 nhưng từ Tết Nguyên đán đã bắt đầu rơi vào cảnh thiếu nước tưới. Đến tháng 4, bốn cái giếng khoan của gia đình sâu từ 50-60m cũng cạn kiệt. Vườn chuối đang ở thời kỳ nuôi cây con, còn vườn mía đang trong thời kỳ thu hoạch, việc thiếu nước tưới ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như chất lượng và năng suất cây trồng.
Không chỉ khô hạn, thoái hóa, tình trạng xâm nhập mặn cũng đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Trước đây, nguồn thu nhập chính của các hộ dân ở huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc… là từ sản xuất lúa. Những năm gần đây, ruộng lúa bị xâm nhập mặn, nhiều diện tích phải bỏ hoang.
Nằm giáp biển, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) có nhiều diện tích đất nhiễm mặn và ngày càng lan rộng, đặc biệt là khu vực Đồng Năng, Gò Cà. Những năm qua, huyện Xuyên Mộc đã đầu tư hệ thống đê điều, kênh mương tưới tiêu nhưng tình trạng mặn hóa, phèn hóa vẫn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của nông dân.
Theo UBND xã Phước Thuận, trên địa bàn xã có khoảng 570ha đất trồng lúa, trong đó ấp Gò Cà có 70ha nhiễm mặn nên người dân chỉ canh tác được 1 vụ/năm, năng suất thấp, chỉ đạt 3-3,5 tấn/ha, giảm 20% so với các vụ lúa cùng diện tích ở những khu vực không bị nhiễm mặn. Một số hộ phải chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm để tránh lãng phí đất.
Những câu chuyện trên đã không còn xa lạ với nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm gần đây. Theo kết quả đo lường tại Quyết định 236/QĐ-UBND của UBND tỉnh (ban hành tháng 3/2023) về phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 64,59% diện tích đất bị thoái hóa (tương đương 91.860ha). Trong đó, cấp độ thoái hóa nhẹ chiếm 26,71% tổng diện tích đất điều tra; thoái hóa trung bình là 28,46% và thoái hóa nặng chiếm 9,42% diện tích đất điều tra.
Đặc biệt, diện tích đất thoái hóa do khô hạn, hoang mạc hóa lên tới 88.229ha, chiếm hơn 62% tổng diện tích điều tra. Đáng nói là trong 91.860ha đất bị thoái hóa có nhiều diện tích do ảnh hưởng cùng lúc của nhiều yếu tố bao gồm: xói mòn, khô hạn, hoang mạc hóa và sa mạc hóa. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng làm cho đất bạc màu, thoái hóa nhanh.
Bảo vệ môi trường, phục hồi đất
Theo Sở TN-MT, mặc dù đang ở cấp độ nhẹ nhưng tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường đất, tình trạng đất đai khô hạn… đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, làm tăng chi phí sản xuất. Do đó, giải pháp để hạn chế tình trạng thoái hóa đất là tập trung vào các yếu tố chủ quan, thói quen canh tác của nông dân, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ đất. Trong ảnh: Người dân TP. Vũng Tàu tham gia thu gom rác. |
Trên thực tế, việc sử dụng phân bón hợp lý đã mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc hạn chế thoái hóa đất ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền), xã viên được khuyến khích sử dụng phân bón nano, một loại phân bón thân thiện với môi trường. Cách làm của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt được xem là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp hạn chế quá trình thoái hóa đất.
Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đất, UBND tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật thích hợp với từng loại đất cụ thể để giữ độ phì nhiêu, màu mỡ của đất, tránh làm thoái hóa đất như: xây dựng hệ thống kênh mương đưa nước về các vùng đất khô hạn, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân vô cơ, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại làm mất khả năng của đất.
Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động ngày môi trường thế giới năm 2024 (5/6) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”. Chương trình nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực. |
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm tại 6 bãi chôn lấp rác tạm đã đóng cửa. Đồng thời có phương án sử dụng quỹ đất này theo các mục đích phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Bên cạnh đó, những năm qua tỉnh còn tập trung các hoạt động trồng rừng nhằm gia tăng độ che phủ cho đất. Cụ thể, năm 2023 toàn tỉnh đã trồng được hơn 523 ha rừng sản xuất. Dự kiến đến hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng mới 10 triệu cây xanh, phân bố tại cả khu vực đô thị và nông thôn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn… Điều này sẽ góp phần quan trọng vào phục hồi, bảo vệ đất, chống xói mòn đất hiệu quả cho địa phương.
Bài, ảnh: QUANG VŨ