Nhiều bà nội trợ lo lắng bởi giá cả hàng hóa đồng loạt tăng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng hàng hóa “té nước theo mưa” khi từ 1/7 tới đây, lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng tăng lên 2,34 triệu đồng.
Giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm đã tăng. Trong ảnh: Người dân mua rau tại chợ Vũng Tàu. |
Gạo, đường, rau, thịt… cùng tăng
Chị Bùi Ngọc Thủy, TP.Bà Rịa cho biết, trước đây với 500 ngàn đồng, chị có thể mua thực phẩm cho gia đình 4 người trong khoảng 3-4 ngày, nhưng nay đi chợ chừng 2 ngày là “bay” số tiền này.
“Tôi thường đi chợ truyền thống ở những chỗ quen nên cứ gom hết mọi thứ lại tính tiền một lần nên cũng không để ý giá. Đến khi thấy tốn tiền nhiều hơn tôi mới nhận ra một số mặt hàng đã âm thầm tăng giá lúc nào không biết”, chị Thủy nói.
Theo các tiểu thương, từ cuối tháng 5, giá thịt heo nhập vào mỗi ngày tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg, đến nay tăng lên 15-20 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân do giá heo hơi tăng nên giá heo mảnh về chợ tăng, các tiểu thương buộc phải tăng giá bán ra thị trường. Các loại tôm, cá, mực, gà… tăng từ 15-20 ngàn đồng/kg; rau tươi tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng 5.
Không chỉ thực phẩm, rau củ, giá gạo, đường cũng tăng thêm từ 2.000-3.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Lộc, chủ một vựa gạo trên đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu cho biết, đầu tháng 6, giá gạo có một đợt tăng mạnh từ 5.000-8.000 đồng/kg, tăng cao nhất là gạo ST25. Giá thương lái bỏ thời điểm đầu tháng 6 đến nay đã tăng từ 25 ngàn đồng lên 25,8 ngàn đồng/kg.
Nguyên nhân do vụ Đông Xuân kết thúc, lượng hàng xuất khẩu rất lớn khiến nguồn cung gạo Đông Xuân khan hiếm. Trong khi đó, vụ Hè Thu chất lượng gạo không tốt bằng nên bán nội địa rất khó.
Tăng cường giải pháp kiềm chế giá
Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, CPI và tăng lương có tác động lẫn nhau. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê nhận thấy, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng theo, nhất là thực phẩm.
Nhiều người tiêu dùng lo ngại mặt bằng giá tiêu dùng có thể tiếp tục tăng sau khi lương cơ sở tăng từ 1/7 tới và sẽ ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là khi năm học mới đang cận kề. Bởi như một quy luật, lương tăng người lao động chưa kịp mừng thì tình trạng giá cả một số mặt hàng cũng sẽ “té nước theo mưa”, trong đó có các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,14% so với tháng 4, so với cùng kỳ năm trước tăng 6%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024 giá tiêu dùng tăng 5,72%. Chỉ số giá một số nhóm hàng tháng 5 so với tháng trước như sau: lương thực tăng 1,75%, chỉ số giá gạo các loại tăng 2,08%, ngô tăng 18,72%; giá thực phẩm tăng 0,74%, trong đó giá thịt heo tăng 1,73%, thịt gia cầm khác tăng 1,44%; quả tươi, chế biến tăng 3,33%... do rau củ các loại bị ảnh hưởng của thời tiết, nguồn hàng thiếu… là nguyên nhân chính làm CPI tăng. |
Trước tình trạng này, theo Sở Công thương, ngành sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, theo dõi sát diễn biến cung, cầu giá cả hàng hóa để có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp. Từ đó, chủ động dự báo và có phương án để đảm bảo cung, cầu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc tăng giá gây bất ổn thị trường.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.
Bài, ảnh: SONG BÌNH