Vườn Quốc gia Côn Đảo đang hành động thiết thực theo Đề án nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân, du khách hạn chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Du khách nước ngoài tham gia nhặt rác ở bãi biển An Hải, Côn Đảo. |
Lặn ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng và... nhặt rác
Ông Nguyễn Tấn Quyền đến Côn Đảo lập nghiệp từ năm 2019. Ông lập Công ty Bambo Adventure, tổ chức tour đưa du khách ra Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tài lặn ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng… Trong quá trình “làm tour”, ông Quyền nảy ra ý tưởng mời gọi du khách chung tay nhặt rác, gìn giữ đảo ngọc. Ý tưởng của ông, bất ngờ lại tạo ấn tượng với du khách.
Peter Ottosson, du khách Thụy Điển, vô cùng thích thú khi tham gia nhặt rác ở Hòn Bảy Cạnh trong tour đến thăm rùa biển đẻ trứng ở hòn đảo này cuối tháng 4 vừa qua. “Chúng tôi ấn tượng với Côn Đảo và cách các bạn gìn giữ thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. Đi đâu cũng thấy người dân nhặt rác”, Peter vừa nói vừa chỉ về phía ông Quyền- đang cúi người lượm vỏ chai rỗng trên bãi biển.
Theo đại diện Vườn Quốc gia Côn Đảo, hàng năm đơn vị thu gom hàng nghìn mét khối rác thải đại dương. Hoạt động này có sự chung tay tích cực từ cộng đồng, nhất là các đơn vị kinh doanh du lịch đang khai thác các điểm đến thuộc phạm vi quản lý của Vườn quốc gia Côn Đảo.
“Tham gia Đề án nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, giai đoạn 2022-2025, hàng năm chúng tôi đều có kế hoạch thu gom, xử lý rác thải nhựa biển khu vực Vườn Quốc gia Côn Đảo”, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, “Riêng năm 2023, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tổ chức 7 đợt thu gom, xử lý hơn 1.000m3 rác thải tích tụ ở các bãi biển, rạn san hô và rừng ngập mặn, nhằm bảo vệ môi trường sống cho các loài hoang dã, thủy sinh; bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tốt hơn Khu Ramsar, Khu Vườn di sản Asean”.
Kế hoạch năm 2024 và 2025, Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ thu gom và xử lý khoảng 20% rác nhựa biển tích tụ dưới các rạn san hô và hơn 50 % rác thải nhựa đại dương hằng năm trôi tấp vào các bãi biển ở đảo chính và các đảo nhỏ như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Bà, Hòn Tài, Vịnh Đầm Tre…
Thay đổi nhận thức của người dân
Cùng với việc thu gom, xử lý rác, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn thực hiện chương trình giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhằm giảm phát thải chất thải rắn (đặc biệt là chất thải nhựa), tiến tới không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong phạm vi Vườn Quốc gia Côn Đảo và địa bàn huyện Côn Đảo.
Trong đề án Kinh tế tuần hoàn, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phục hồi 2ha rạn san hô trong Phân khu phục hồi sinh thái (vùng biển Vịnh Ông Đụng) và Đề án giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính gắn với xây dựng mô hình bán tín chỉ carbon huyện Côn Đảo. Hiện gần 80% diện tích Côn Đảo là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với 6.200ha nên giàu tiềm năng bán tín chỉ carbon.
|
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Khắc Pho, trong đề án Kinh tế tuần hoàn, Vườn Quốc gia Côn Đảo đang xây dựng chương trình đồng quản lý tài nguyên biển theo Luật Thủy sản nhằm giúp cải thiện sinh kế người dân và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Vùng biển Vườn Quốc gia Côn Đảo phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học nổi bật với các hệ sinh thái là rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển. Những giá trị đặc biệt về tài nguyên sinh vật tại vùng biển Côn Đảo đã và đang mang lại lợi ích không chỉ về mặt khoa học, văn hóa-xã hội mà còn về mặt kinh tế thông qua những đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế của huyện đảo và bảo đảm sinh kế của người dân.
“Vì thế, bảo vệ vùng biển khỏi rác thải là yêu cầu cấp bách. Song hành với nhiệm vụ này là các giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản, chấm dứt việc khai thác tận diệt, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng”, ông Pho chia sẻ.
Bài, ảnh: NGỌC MINH