Với đầy đủ thiên thời, địa lợi, trong tầm nhìn dài hạn, Châu Đức được quy hoạch trở thành vùng công nghiệp lớn nhất của tỉnh, nhưng phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và các yếu tố xã hội khác.
Châu Đức định hướng thu hút các dự án công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ cao, bền vững. Trong ảnh: Một góc KCN Sonadezi Châu Đức. |
Hàng loạt doanh nghiệp tầm cỡ “nhìn trúng” Châu Đức
Ngày 14/5 vừa qua, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Tập đoàn Tripob, Đài Loan) chính thức ký hợp đồng thuê đất tại KCN Sonadezi Châu Đức với diện tích 18ha. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm. Tại Châu Đức, Tripob triển khai xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển ngành điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới. Đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372 ngàn m2, tương đương 1.800 tấn/năm. Dự án này sẽ tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao trên địa bàn.
Nhà máy của Tripob là dự án có quy mô, sử dụng công nghệ cao lớn nhất đầu tư vào KCN Sonadezi từ trước đến nay. Tham dự và phát biểu tại lễ ký kết của 2 DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đón nhiều dự án vốn FDI lớn, thể hiện những nỗ lực của tỉnh nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả đã đạt được hiệu quả tốt.
Cùng với đó, một tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới chọn đầu tư tại Châu Đức cho thấy tiềm năng lớn của địa phương này, đặc biệt là dòng vốn chất lượng cao. “Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo điều kiện tốt nhất, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục và triển khai xây dựng để dự án sớm đi vào hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Một trong những doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan trong đầu tư hạ tầng KCN là Tập đoàn WHA trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao tiềm năng phát triển công nghiệp của Châu Đức. Đại diện doanh nghiệp nhận định, địa phương có lợi thế về vị trí địa lý, gần cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành. Lợi thế này sẽ càng được nhân lên nhiều lần sau khi các dự án hạ tầng liên kết vùng được hoàn thành. Hay những “chi tiết nhỏ” khác là ở vùng cao ráo, ít nguy cơ ngập úng, môi trường sống trong lành cũng giúp Châu Đức thêm hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. “Nhìn trúng tiềm năng cực lớn của Châu Đức, chúng tôi đề xuất được đầu tư dự án KCN sinh thái, thông minh có quy mô 1.200ha tại địa phương này”, bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn WHA nói.
Phát triển công nghiệp nhưng phải giữ được Châu Đức xanh
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, phía tây huyện Châu Đức nằm trong vùng chức năng công nghiệp, cảng biển, thuộc trục động lực kinh tế công nghiệp-logicstics, cảng biển dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường vành đại 4, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài 2 KCN hiện hữu là Sonadezi Châu Đức và Đá Bạc, địa phương có thêm 6 KCN với diện tích 6.200ha, qua đó, có diện tích phát triển công nghiệp tập trung lớn nhất của tỉnh.
Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và huyện Châu Đức đã thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ lấp đầy KCN, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp thứ cấp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là công tác tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, trật tự…
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, với việc các quy hoạch tỉnh, huyện đang được thực hiện đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển trong tương lai, địa phương tin tưởng tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghiệp, giúp kinh tế-xã hội của Châu Đức phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực này, huyện luôn xác định thu hút đầu tư chất lượng cao, có chọn lọc, tạo việc làm cho lao động địa phương nhưng bảo đảm thân thiện với môi trường, giữ được “huyện Châu Đức xanh”.
“Khi đó, cơ cấu kinh tế của huyện sẽ thay đổi. Tỷ trọng ngành công nghiệp từ chiếm 30% dự kiến sẽ tăng lên 70%. Nhưng điều này không có nghĩa ngành nông nghiệp của huyện bị ảnh hưởng, mà sẽ cùng phát triển tương hỗ với các lĩnh vực khác. Theo quy hoạch, diện tích nông nghiệp của huyện không giảm, nhưng chúng tôi sẽ tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, bảo đảm nông sản Châu Đức sẽ ngày càng gia tăng giá trị trên thị trường”, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nói.
Phát triển công nghiệp đồng nghĩa với Châu Đức đối diện với các vấn đề liên quan đến gia tăng dân số cơ học. Theo ông Bản, Châu Đức định hướng và sẽ hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực trong lĩnh vực đô thị công nghiệp, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các chuyên gia, kỹ sư và nguồn nhân lực làm việc trong các dự án công nghiệp. Đặc biệt, huyện cũng có các giải pháp đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, để phát triển công nghiệp thực sự đem lại sự đổi thay cho cuộc sống người dân địa phương.
Bài, ảnh: QUANG VINH