Việc điều chỉnh quy hoạch TP.Vũng Tàu để phù hợp với thực tế phát triển, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Người dân xem bản đồ quy hoạch đô thị Tây Nam TP.Vũng Tàu. |
Tái thiết đô thị hiện hữu
Ông Nguyễn Trọng Thụy, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, Nam Vũng Tàu là đô thị nằm ở khu vực trung tâm của thành phố. Sau 18 năm quy hoạch, đô thị Nam Vũng Tàu như “chiếc áo" đã chật.
Vì vậy, giữa tháng 4 vừa qua, UBND TP.Vũng Tàu công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Nam Vũng Tàu theo Quyết định số 604/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đồ án mới được nghiên cứu, điều chỉnh với quy mô 887,7ha, thuộc địa bàn các phường 3, 7, 8; một phần các phường 1, 2, 4, 5, 9, Thắng Nhì, Thắng Tam và Nguyễn An Ninh.
“Đồ án mới được điều chỉnh trên cơ sở kế thừa những yếu tố phù hợp từ quy hoạch cũ. Đồng thời, điều chỉnh một số phân khu, tạo các điểm nhấn quan trọng. Từ đó, định hình đô thị Nam Vũng Tàu trở thành vùng lõi của thành phố; là cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đặc biệt là du lịch”, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu nói.
Trong số các dự án trục ngang có 2 tuyến đường huyết mạch là Hàng Điều và Cầu Cháy được xây dựng mới, rộng 36m, gồm 6 làn xe với điểm đầu giao với đường 30/4, điểm cuối giao đường với đường 3/2. Đây là 2 tuyến đường giao thông kết nối 3 trục đường chính dẫn vào trung tâm TP.Vũng Tàu gồm các đường 30/4, 2/9 và 3/2.
Hai tuyến đường này góp phần tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt các khu đô thị phía Bắc Vũng Tàu, kết nối với khu đô thị phía Nam, giảm tải lưu lượng xe lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. 2 tuyến đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực Bắc sân bay Vũng Tàu với các khu Chí Linh - Cửa Lấp.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu.
|
Dẫn chứng cho vấn đề này, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) - đơn vị tư vấn đồ án cho hay, không gian kiến trúc, cảnh quan của đô thị Nam Vũng Tàu được quy hoạch dựa trên nguyên tắc tôn trọng đặc điểm tự nhiên, nâng cao giá trị quỹ đất và tiềm năng của khu vực. Hình thức kiến trúc hiện đại, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Các công trình ở hỗn hợp, thương mại cao tầng chủ yếu phân bố dọc trục đường Lê Hồng Phong và trục Thống Nhất nối dài.
Ngoài ra, khu đô thị Nam Vũng Tàu được quy hoạch trục không gian cảnh quan chính giới hạn bởi Núi Lớn và Núi Nhỏ. Bố cục không gian và kiến trúc công trình của khu vực này giữ vai trò mặt tiền hướng biển cho đô thị. Dựa vào địa hình thiên nhiên đặc thù, hệ thống cây xanh, không gian mở được hoạch định ở vị trí eo đất giữa hai ngọn núi, cũng là cửa ngõ từ biển dẫn dắt vào trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Trọng Thụy khẳng định, khi thực hiện đồ án này, TP.Vũng Tàu cũng tính đến việc khai thác quỹ đất công sau khi cơ quan hành chính Nhà nước di dời về TP.Bà Rịa. Đồng thời, bổ sung các trục giao thông hướng Đông Tây, kiểm soát các chỉ tiêu quy hoạch, tầng cao xây dựng công trình…
Mở rộng không gian đô thị mới về phía Bắc
Theo lãnh đạo TP.Vũng Tàu, sau khi được công nhận đô thị loại I thuộc tỉnh (năm 2013), thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các khâu đột phá trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Đến nay, diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của Vũng Tàu trong tương lai, Trung ương và tỉnh đã có những quy hoạch, định hướng mở rộng không gian đô thị mới về phía Bắc. Những định hướng này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019 tại quyết định về điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đến năm 2035. Sau đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị Bắc Vũng Tàu.
Các tuyến đường giao thông trục ngang đang được hình thành để mở rộng đô thị về phía Bắc Vũng Tàu. Trong ảnh: Đường Hàng Điều (đoạn từ đường 2/9 sang đường 3/2) đang được thi công xây dựng. |
Cụ thể, khu đô thị Bắc Vũng Tàu có phạm vi, ranh giới phía Đông và Đông Nam giáp đường 3/2 và khu vực Chí Linh - Cửa Lấp; phía Đông Bắc giáp khu vực đường Hải Đăng; phía Tây Bắc giáp Sông Dinh; phía Tây Nam giáp sân bay Vũng Tàu hiện hữu và hồ Bàu Trũng. Quy mô diện tích khoảng 2.575 ha, dân số khoảng 180.000 người với 10 tiểu khu chức năng.
Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, nếu như Nam Vũng Tàu được xác định là vùng lõi của thành phố thì khu đô thị Bắc Vũng Tàu phát triển các khu chức năng là trung tâm hành chính - chính trị của TP.Vũng Tàu; khu đô thị đa chức năng, biểu trưng cho thành phố với các chức năng là trung tâm chuyên ngành lớn phục vụ cho Vũng Tàu và tỉnh… Ngoài trung tâm hành chính mới, khu vực đô thị Bắc Vũng Tàu còn có các dự án quan trọng như Bệnh viện Vũng Tàu, trường học các cấp, công viên, nhà tang lễ thành phố, quảng trường biển...
Để mở rộng không gian đô thị mới về phía Bắc, kết nối với đô thị hiện hữu ở phía Nam, TP.Vũng Tàu đã và đang triển khai hệ thống khung giao thông chính gồm 3 trục dọc chính đô thị, 6 trục ngang và một số tuyến kết nối có vai trò đặc biệt quan trọng để tạo cơ sở hạ tầng, không gian phát triển mới cho khu vực.
Bài, ảnh: QUANG VŨ