SAU 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW

Vốn tín dụng chính sách đã đến gần với dân

Chủ Nhật, 26/05/2024, 15:30 [GMT+7]
In bài này
.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp. Kết quả này đã cho thấy hiệu quả nguồn vốn tín dụng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội.

Bà con xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bà con xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến đầu tháng 5/2024 tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý hơn 4.483 tỷ đồng, tăng gần 2.143 tỷ đồng so với 5 năm trước và tăng gần 3.237 tỷ đồng so với cuối năm 2014.

Đến nay, 13 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện tại NHCSXH có tổng dư nợ hơn 4.467 tỷ đồng với 79.515 khách hàng vay vốn, tăng gần 2.135 tỷ so với cuối năm 2019 và tăng hơn 3.229 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn chủ yếu tập trung cho vay các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay các hộ sản xuất kinh doanh tại các vùng khó khăn... Đây là các đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ về tín dụng chính sách, góp phần trong công tác giảm nghèo, chống tái nghèo tại địa phương.

Bà Trần Thị Liên (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là một trong những hộ gia đình được vay nguồn vốn tín dụng chính sách và phát huy hiệu quả. Bà Liên chia sẻ, chồng mất sớm, một mình bà nuôi 3 con ăn học. Cuộc sống vì thế luôn bị thiếu trước hụt sau. Thông qua Hội Nông dân, bà được tiếp cận vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH. Từ số vốn vay ban đầu 5 triệu đồng để trồng vài chục trụ tiêu, nay vườn tiêu nhà bà đã có 500-600 trụ, số tiền vay được từ nguồn vốn ưu đãi cũng tăng gấp 10 lần. Hàng tháng bà đều trả lãi và gốc đúng hạn. Bà Liên vươn lên thoát nghèo, kinh tế ổn định.

Đặc biệt, trước tình trạng “tín dụng đen” len lỏi vào đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, làm mất ổn định trật tự xã hội trên địa bàn, NHCSXH cũng đã có hàng loạt giải pháp mở rộng khả năng đáp ứng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Cách làm này đã góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”.

Năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,35% trên tổng dư nợ; đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,05%; đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,02%, giảm 0,33% so năm 2014.

Tạo thuận lợi cho người vay

Để tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người vay, NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn tối thiểu một tháng một lần vào ngày cố định trong tháng (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật). Điểm giao dịch xã công khai các văn bản về tín dụng chính sách của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, của NHCSXH và của UBND tỉnh, danh sách các hộ vay... để Nhân dân, chính quyền địa phương biết, giám sát và thực hiện.

Đến nay, toàn tỉnh có 82 điểm giao dịch xã hoạt động tại 82 xã, phường, thị trấn. Việc phục vụ Nhân dân tại xã là một phương thức hoạt động đặc thù riêng của NHCSXH, đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong các cuộc họp giao ban hàng tháng với NHCSXH, hội đoàn thể và tổ tiết kiệm và vay vốn tại điểm giao dịch, chủ tịch UBND xã tham gia đầy đủ để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhất là việc xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng; tạo điều kiện cho hoạt động của tổ giao dịch lưu động an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, các đối tượng được vay vốn một cách thuận lợi ngay tại xã, nơi họ đang cư trú.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo phản ánh của bà con, hiện mức cho vay tối đa theo quy định đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chỉ 10 triệu đồng/công trình là còn thấp, chưa phù hợp với mặt bằng chi phí và giá cả hiện nay.  

Ngoài ra, bà con cũng đề nghị nâng mức đầu tư cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động vay vốn việc làm từ tối đa 100 triệu đồng nâng lên đến 200 triệu đồng. Đồng thời, cho vay dự án sản xuất kinh doanh từ 2 tỷ đồng lên đến 5 tỷ đồng để thu hút và tạo việc làm ổn định, duy trì việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: HÀ AN

 
;
.