Nhiều ngư dân đang gặp khó khăn trong việc đánh bắt hải sản khi giấy phép khai thác cấp mới không đúng với vùng khai thác ngành nghề của họ.
Do giấy phép không đúng vùng khai thác, nhiều tàu cá của Nghiệp đoàn cá cơm Hải Đăng (TP.Vũng Tàu) nằm bờ, tranh thủ kéo lên ụ bảo trì. |
Giấy phép không trùng vùng khai thác
Ông Lê Công Hùng (phường 11, TP.Vũng Tàu) có một tàu cá dài gần 19m, công suất 350CV đánh bắt cá cơm. Đây là nghề cha truyền con nối từ Nghệ An vào Vũng Tàu, ông Hùng đã hành nghề này gần 30 năm. “Năm 2016 tôi tham gia Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng của TP.Vũng Tàu. Giấy phép khai thác cấp cho tàu tôi lúc ấy vẫn là đánh bắt cá cơm tuyến bờ”, ông Hùng kể.
Tàu có 13 lao động, đánh bắt cá cơm đi về hàng ngày với sản lượng khai thác bình quân khoảng 4-5 tấn/ngày. Với giá bán trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được mỗi chuyến biển từ 30-40 triệu đồng. Theo đó, mỗi lao động trên tàu có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, khi đi xin lại giấy phép mới, do Luật Thủy sản năm 2017 thay đổi cách tính quy cách tàu cá từ theo công suất máy sang chiều dài tàu nên tàu ông Hùng (hơn 15m) được cấp giấy phép khai thác ở vùng khơi.
Điều này đã gây khó khăn lớn về sinh kế cho gia đình ông Hùng và 13 gia đình thuyền viên khi mà cá cơm chỉ sinh trưởng ở ven bờ. Trong khi đó, theo Nghị định 38/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5, nếu đánh bắt sai vùng sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng và tái phạm có thể bị rút giấy phép.
“Chính vì thế, cảng cá không cho tàu xuất bến khi họ kiểm tra hệ thống giám sát hành trình thấy giấy phép là đánh vùng khơi mà tàu tôi lại đánh bắt cá cơm vùng ven bờ”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Trần Đức Hội, Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng (TP.Vũng Tàu) thông tin thêm, nghiệp đoàn hiện có 30 thành viên với hơn 30 tàu cá hành nghề đánh bắt cá cơm, tổng số lao động khoảng 450 người. Các tàu cá này đều có chiều dài trên 15m nên giấy phép mới được cấp lại trong tháng 5 năm nay đều là giấy phép hành nghề lưới rê, cá cơm đánh bắt ở vùng khơi.
Theo ông Hội, cá cơm chỉ sinh sống ở vùng ven bờ với vòng đời chưa tới 2 năm, vùng khơi hoàn toàn không có nên 30 tàu cá này không thể hoạt động tiếp với giấy phép mới được cấp, chỉ có thể nằm bờ. Nếu đi sẽ đánh bắt sai vùng, ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
“Nếu không đi biển thì 450 hộ gia đình với khoảng 1.800 người sẽ bị ảnh hưởng sinh kế. Chính vì thế, chúng tôi thiết tha mong Chính phủ xem xét lại việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho các ngành nghề đặc thù như nghề cá cơm”, ông Hội kiến nghị.
Nghị định 38/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm tàu cá đánh bắt sai vùng từ 15-20 triệu đồng với tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, 20-30 triệu đồng với tàu từ 15-24m và phạt từ 30-40 triệu đồng với tàu cá có chiều dài hơn 24m. |
Khai thác phù hợp nguồn lợi, phát triển bền vững
Không chỉ nghề cá cơm, các nghề khác như nghề lưới ghẹ, bạch tuộc, ốc các loại ở vùng lộng cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Quốc Dũng (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) có 4 tàu có chiều dài từ 15,5 - 16,5m hành nghề bẫy bạch tuộc bằng các loại vỏ ốc. Khu vực đánh bắt của nghề này ở vùng lộng nhưng do các tàu của ông Dũng đều trên 15m nên giấy phép mới được cấp đều là vùng khơi.
“Đây là nghề rất thân thiện với môi trường bởi nghề này bắt bạch tuộc bằng cách dẫn dụ chúng chui vào các vỏ ốc giác ẩn núp, không dùng bất cứ hóa chất hay tác động ngoại lực nào. Và bạch tuộc chủ yếu sống ở vùng lộng, vùng khơi không có”, ông Dũng thông tin.
Ông Dũng cho biết, gia đình ông hành nghề này đã lâu năm và luôn tuân thủ quy định của pháp luật trong đánh bắt hải sản. Ông đã làm đơn xin cải hoán tàu cá xuống dưới 15m để đánh bắt vùng lộng nhưng không được cơ quan chức năng chấp thuận.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Vũ Duyên Hải - Trưởng phòng khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT cho hay, nguồn lợi hải sản ở từng vùng biển hiện nay là có hạn và đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt. Chính vì thế, Nhà nước đưa ra các quy định đánh bắt hải sản để quản lý cường lực khai thác ở từng vùng biển sao cho phù hợp với khả năng nguồn lợi ở vùng đó, từ đó bảo đảm việc khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững.
Theo ông Hải, pháp luật hiện tại quy định vùng hoạt động theo kích thước tàu. Đối tượng khai khai thác phân bố ở các vùng biển theo điều kiện thuận thiên nhiên. Đối tượng (loài) khai thác như cá cơm, ốc hương,... chỉ phân bố ở vùng biển nhất định và có thể bị khai thác bởi các nghề nhất định như lưới vây, bẫy,....
“Các nghề này không nhất thiết phải phải vận hành bởi các tàu có kích thước lớn hơn 15m. Vì vậy, các tàu có chiều dài hơn 15m có thể sử dụng các loại nghề khác để hoạt động khai thác các loài khác ở vùng khơi, không vào vùng lộng và ven bờ sẽ làm gia tăng cường lực khai thác và cạnh tranh với các tàu nhỏ hơn, khai thác cùng đối tượng”, ông Hải giải thích.
Bài, ảnh: NGỌC MINH