Ngập úng có thể tệ hơn trong mùa mưa 2024

Thứ Năm, 09/05/2024, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Các đơn vị chức năng và địa phương đều cho rằng, tình hình ngập úng trong mùa mưa năm nay có thể sẽ tệ hơn khi toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh chưa được khơi thông, nạo vét.

Chỉ trận mưa nhỏ đầu mùa vào ngày 5/5 nhưng đường Võ Nguyên Giáp đoạn gần Ẹo Ông Từ đã ngập.
Chỉ trận mưa nhỏ đầu mùa vào ngày 5/5 nhưng đường Võ Nguyên Giáp đoạn gần Ẹo Ông Từ đã ngập.

Khả năng ngập trên diện rộng

Những mùa mưa trước, TP.Vũng Tàu là địa bàn có nhiều điểm ngập úng. Năm nay, trong bối cảnh hệ thống thoát nước chưa được nạo vét, khơi thông, khả năng ngập sẽ xảy ra trên diện rộng thay vì cục bộ như trước.

Sáng sớm ngày 5/5, trận mưa nhỏ đầu mùa chỉ diễn ra trong 10-15 phút, nhưng trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn gần Ẹo Ông Từ, nước đã đọng thành một vũng lớn khiến nhiều phương tiện khi di chuyển qua đây gặp khó khăn.

Chị La Thị Hiền (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cho biết, hàng ngày chị đi làm từ Vũng Tàu qua Bà Rịa và ngược lại. Mùa mưa những năm trước, đoạn đường này phải đến những trận mưa rất lớn mới ngập thì nay chỉ mới trận mưa đầu mùa đã đọng thành ao. Lái xe qua đoạn đường này rất nguy hiểm do ô tô không kịp lách vào làn trong, đi vào vùng nước có thể bắn lên, che khuất tầm nhìn của người chạy xe máy. Chưa kể, người đi xe máy gặp vũng nước này cũng lách sang làn ôtô để tránh, rất dễ xảy ra va chạm giao thông.

Mùa mưa năm 2024 bắt đầu từ đầu tháng 5 và dự báo sẽ bước vào cao điểm từ cuối tháng 6. Theo khảo sát của Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam (BUSADCO), tại TP. Vũng Tàu, những năm trước còn 17 điểm ngập úng cục bộ và 4 điểm thoát nước chậm. Các điểm thường xuyên ngập sâu gồm: lưu vực Bãi Trước; lưu vực kênh Bến Đình; lưu vực hồ Bàu Trũng; lưu vực hồ Rạch Bà; đường 30/4 (đoạn từ giao lộ Lê Quang Định đến Nguyễn Hữu Cảnh); đường Nguyễn Thiện Thuật (đoạn từ Phạm Văn Dinh đến Nguyễn Hữu Cảnh) và ngã ba Bến Nôm giao Hàn Thuyên.

Theo ông Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Ban Kinh tế - Kỹ thuật BUSADCO, trục thoát nước là một chuỗi hồ, kênh mương lớn và cống ngăn triều kết hợp thu nước mưa của toàn thành phố đổ ra biển. Tuyến kênh thoát nước chính của TP. Vũng Tàu có chiều dài khoảng 12km. Theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP. Vũng Tàu, thành phố có 7 hồ điều hòa tham gia hệ thống thoát nước với diện tích tổng cộng là 219ha. Trên thực tế chỉ có 32,68ha hồ điều hòa còn đáp ứng cho mục đích thoát nước, chiếm 15% so với quy hoạch.

Ông Quế thông tin thêm, theo thông lệ hàng năm, đến cuối tháng 4, công tác nạo vét, giải tỏa thông thoáng hệ thống ao hồ, kênh mương thoát nước… và các bước chống ngập úng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, năm nay dù đã giữa tháng 5, mùa mưa cũng bắt đầu, nhưng toàn bộ hệ thống thoát nước bao gồm hồ điều hòa, kênh thoát nước chính và hàng chục ngàn hố thu nước mưa vẫn chưa được xử lý chống ngập.

Kênh thoát nước chính đoạn qua địa bàn phường 10 bị tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường.
Kênh thoát nước chính đoạn qua địa bàn phường 10 bị tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường.

Cần giải pháp đồng bộ và có lộ trình 

Tương tự như vậy, tại TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và các địa phương khác khả năng ngập trên diện rộng là rất cao trong mùa mưa năm nay. BUSADCO cho biết, tại TP. Bà Rịa, ngập úng tập trung tại các tuyến thoát nước chính rạch Thủ Lựu, cống băng đường QL51A, QL56, đường Cách Mạng Tháng Tám… Tại TX. Phú Mỹ nguy cơ ngập úng có thể xảy ra trên QL51 và một số khu vực vùng trũng, thấp…

Theo Sở Xây dựng, năm 2024 là năm lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ thoát nước cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, do đó, hiện đang chờ kết quả lựa chọn nhà thầu. Công tác phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh có thể sẽ kéo dài đến tháng 7/2024.

Nếu tháng 7 mới bắt đầu nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước thì phải mất 4 tháng sau mới có thể hoàn thành. Như vậy, những tháng cao điểm mùa mưa sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống ngập. “Nếu ngập úng trên diện rộng xảy ra sẽ rất nguy hiểm: nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm xáo trộn cuộc sống của người dân  kéo theo đó là ô nhiễm môi trường sẽ lan rộng”, ông Nguyễn Sỹ Quế nói.

“Giải quyết ngập úng cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình.  Về lâu dài, ngoài việc đầu tư hệ thống thoát nước, việc nạo vét các kênh mương cần yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước, cải tạo hồ điều hòa… Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống thoát nước, đê bao, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn”, đại diện Sở Xây dựng nêu ý kiến.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.