Đứng trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH), trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, giải pháp bền vững nhằm bảo vệ được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.
Bà Lê Thị Nga kiểm tra sức khỏe, sinh trưởng của cây xanh trong khu Suối Rao Ecolodge. |
Nhiều cách làm hay
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nhận thấy sự đa dạng và phong phú của các loài động, thực vật là nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu đã xây hàng rào bảo vệ trên diện tích 7.000ha tại phân khu đặc dụng; tổ chức giao khoán, trồng mới các loài cây bản địa; nghiên cứu, đánh giá giá trị động, thực vật của rừng Bình Châu-Phước Bửu; di dời các hộ dân lấn chiếm đất rừng… Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng dân cư sống ven rừng thông qua nhiều hình thức…
Trong khi đó, Vườn quốc gia Côn Đảo lại được xem là cái nôi bảo tồn ĐDSH. Ban quản lý VQG Côn Đảo đã xây dựng mạng lưới các trạm quản lý, bảo vệ, gồm: 5 trạm kiểm lâm ở đảo lớn trung tâm; 7 trạm kiểm lâm ở các đảo nhỏ có đa dạng sinh học cao, tạo ra một hệ thống quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng và biển khép kín. Kiểm lâm của VQG là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bám đảo 24/24 thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân xâm phạm tài nguyên trái phép trong khu bảo tồn.
Không chỉ cơ quan chức năng, thời gian gần đây nhiều DN, tổ chức, cá nhân cũng tích cực tham gia xây dựng và bảo tồn ĐDSH. Trong đó, có thể kể đến khu Suối Rao Ecolodge (thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức). 14 năm trước, đây là một vùng đất hoang sơ trồng đậu, bắp, khoai mì ngắn ngày. Là một người yêu thiên nhiên, cây cỏ, có kiến thức và trình độ về cảnh quan, sinh vật, bà Lê Thị Nga, nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh đã quyết định biến 5ha đất này thành một khu vườn đa dạng loại cây cảnh quan nhằm khôi phục thiên nhiên, môi trường sinh thái, để động thực vật có thức ăn, có môi trường sinh sôi nảy nở…
Ban đầu chỉ có khoảng hơn 1.000 cây trong đó có nhiều cây gỗ bản địa thuộc dòng quý, hiếm của Bà Rịa-Vũng Tàu như: cẩm lai, chiu liu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ… Với định hướng trồng và bảo tồn Suối Rao trở thành một nơi lưu trữ gien, bà Nga đi khắp miền Đông, miền Tây để sưu tầm các loại cây quý hiếm đưa về trồng. Đến nay, Suối Rao Ecolodge đã có hơn 700 loại cây với số lượng lên đến hàng triệu cây xanh các loại. Ngoài ra, Suối Rao Ecolodge còn có khoảng 300 loại dược liệu quý.
Phát huy giá trị ĐDSH
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, là một trong những địa phương đa dạng các hệ sinh thái, tuy nhiên Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học như: chặt phá rừng ngập mặn; xả thải gây ô nhiễm môi trường; săn bắt động vật quý hiếm; đánh bắt hải sản tận diệt…
Trước nguy cơ trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động về ĐDSH, trong đó yêu cầu các ngành, đơn vị có liên quan điều tra, đánh giá một cách đầy đủ về hệ sinh thái, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên ĐDSH. 3 mục tiêu, nhiệm vụ lớn mà Bà Rịa-Vũng Tàu phải thực hiện, đó là: bảo vệ, bảo tồn và phát triển ĐDSH trên cạn; bảo tồn và phát triển ĐDSH các vùng đất ngập nước và biển; bảo tồn và phát triển ĐDSH nông nghiệp, sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật. BR-VT sẽ phải phục hồi 70% diện tích rừng bị suy thoái; bảo tồn và phát triển các loại động thực vật tại Khu BTTN BC-PB và VQG Côn Đảo.
Gần đây, tháng 1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ĐDSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; ĐDSH được bảo tồn, sử dụng bền vững, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bài, ảnh: QUANG VŨ