Đưa Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển: Cần cơ chế phù hợp biến tiềm năng thành hiện thực

Thứ Hai, 13/05/2024, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Sáng 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ chủ trì hội thảo lần 2 lấy ý kiến về Đề án Phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ trân trọng những góp ý sâu sắc,  những kinh nghiệm, góc nhìn mới và cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu để hoàn thiện  đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ trân trọng những góp ý sâu sắc, những kinh nghiệm, góc nhìn mới và cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu để hoàn thiện đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nhận diện thực trạng, tiềm năng của các ngành kinh tế ven biển

Phác thảo về mô hình kinh tế biển của tỉnh, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trưởng nhóm xây dựng Đề án nhận diện lợi thế và nút thắt một số ngành kinh tế biển của tỉnh như: cảng biển, logistics gắn với cảng biển, công nghiệp ven biển, du lịch biển và đô thị biển. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là làm rõ thực trạng, tiềm năng phát triển công nghiệp ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo ông Tuấn, 10 KCN của tỉnh nằm tại Phú Mỹ, với lợi thế gần cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Có thể nói rằng, đây là lợi thế mà không địa phương nào trong khu vực có được. Tương tự, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, các KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu), Đất Đỏ, Châu Đức cũng hưởng lợi từ vị trí địa lý của mình. Nhiều nhà đầu tư đánh giá, gần cảng là lợi thế “kim cương” để thu hút các dự án lớn. Cùng với đó, lợi thế là trung tâm dầu khí quốc gia cũng tạo điều kiện cho tỉnh thu hút các dự án công nghiệp nặng và hóa chất.

Sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị đất đai và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để đón nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cho thấy, nhận thức của tỉnh về giai đoạn mới đầy thách thức khi Bà Rịa-Vũng Tàu không thể phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí. Đặc biệt, tỉnh luôn kiên định với chủ trương chỉ ưu tiên thu hút những dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động nên không chịu áp lực quá lớn về lao động nhập cư và các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Thời gian qua, các ngành công nghiệp của tỉnh mới chủ yếu tận dụng việc gần cảng biển, trong khi các lợi thế khác như: chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng với mong muốn đề ra. Quy mô các DN còn nhỏ, năng lực sản xuất thấp do thiếu nguồn lực và công nghệ. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do các doanh nghiệp FDI thực hiện.

Mức độ phát thải nhà kính lớn của một số ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng sẽ là thách thức trước xu hướng và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ tham dự hội thảo và có những ý kiến đóng góp sâu sắc cho đề án.
Nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ tham dự hội thảo và có những ý kiến đóng góp sâu sắc cho đề án.

Xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp với phát triển kinh tế biển

Tại hội thảo, nguyên lãnh đạo tỉnh có những ý kiến đóng góp cho Đề án, trong đó, liên quan xây dựng cơ chế chính sách của Nhà nước đối với phát triển cảng biển; các điều kiện cần và đủ để phát triển du lịch tỉnh; giải pháp, cơ chế chính sách trong phát triển cảng biển trung chuyển; hình thành trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong phát triển cảng biển; vai trò trong phát triển hàng hải…

Ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả đề án, công tác xây dựng chính sách đặc biệt quan trọng. Có những công việc không thể chỉ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu một mình làm được mà phải có giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Trung ương. Cùng với đó, cần phải có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, giao quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho địa phương.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng và định hướng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp  hóa chất với những dự án lớn. Trong ảnh: Kiểm tra hàng hóa tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng và định hướng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hóa chất với những dự án lớn. Trong ảnh: Kiểm tra hàng hóa tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu không phải chỉ của Bà Rịa-Vũng Tàu, mà còn phục vụ cho sự phát triển chung của khu vực, do đó cần có cơ chế và giải pháp để khai thác hiệu quả nhất cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Theo ông Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu có nguồn tài nguyên lớn từ biển, dầu khí cho đến thủy, hải sản. Muốn khai thác hiệu quả cần nghiên cứu, hiểu rõ tính chất, đặc thù của từng loại tài nguyên, trong thời gian tới, tỉnh phải xây dựng được viện hải dương học, nghiên cứu chuyên sâu về biển mới khai thác và tìm ra định hướng tốt nhất phát triển các lĩnh vực kinh tế.  

Ông Nguyễn Văn Cẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu đề xuất, trong đề án cần đánh giá thêm các vấn đề rủi ro, tổn thất trên biển có thể xảy ra. Từ đó, cần thành lập Sở Chỉ huy địa phương ứng phó các tình huống khẩn cấp khi xảy ra tai nạn trên vùng nước, cảng biển có thể gây ra các thiệt hại lớn.  

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.