Là lực lượng nòng cốt trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, tập trung tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền cả trên biển và đất liền.
Đoàn công tác BĐBP tỉnh kiểm tra hồ sơ, giấy tờ trên tàu cá tại Cảng cá Incomap thuộc phường 5 (TP.Vũng Tàu). |
Tuần tra kết hợp tuyên truyền
Để chung tay phòng, chống IUU, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã yêu cầu các đồn, trạm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cao điểm, trong đó, kết hợp tuần tra, giám sát và tuyên truyền vận động ngư dân.
Trong tháng 4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã đến các khu neo đậu, cảng cá để tuyên truyền cho hàng trăm ngư dân, chủ tàu về phòng, chống khai thác IUU.
Khi các tàu cá đánh bắt xa bờ trở về neo đậu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Châu tranh thủ đến thăm hỏi, trò chuyện đồng thời tuyên truyền khai thác hải sản đúng quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài cho chủ tàu.
Đơn cử, trong ngày 9 và 10/4, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền cho hàng chục chủ tàu, ngư dân tại Khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội-Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). Tiếp đó, từ ngày 16 đến ngày 19/4, đơn vị phối hợp cùng Đồn Biên phòng Phước Hải và Đồn Biên phòng Phước Tỉnh tuyên truyền cho 300 ngư dân.
Với việc tuyên truyền sâu rộng, từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Bình Châu chưa ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Ông N.T.K. (SN 1987, chủ tàu cá, ngụ xã Bình Châu) cho biết, hàng tháng, cán bộ biên phòng đều đến kiểm tra và nhắc nhở ngư dân chấp hành pháp luật trong quá trình đánh bắt, chung tay cùng chính quyền, các ngành gỡ "thẻ vàng" IUU.
"Tàu đánh bắt xa bờ, nên tôi được cán bộ biên phòng tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên. Tôi cũng cam kết không vi phạm trong quá trình đánh bắt hải sản, đồng thời, hỗ trợ bộ đội biên phòng nhắc nhở các tàu khác thực hiện đúng cam kết", ông K. nói.
Trung tá Ngô Sĩ Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Châu nói: "Công tác tuần tra kết hợp tuyên truyền đã và đang được đơn vị duy trì thường xuyên, liên tục. Vì vậy, ngư dân thực hiện rất tốt các quy định phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định".
Đồn Biên phòng Bình Châu kiểm tra tàu cá neo đậu tại cảng Bình Châu. |
Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm
Đồn Biên phòng Phước Tỉnh (huyện Long Điền) hiện đang quản lý gần 1.700 tàu cá. Trong đó, có khoảng 1.200 tàu dài hơn 15m. Với số lượng tàu cá nhiều, đòi hỏi cán bộ tại đồn phải kiểm tra chặt chẽ phương tiện xuất, cập bến. Đồng thời, đồn bố trí lực lượng kiểm tra nhật ký khai thác, thu mua của tàu cá. Quá trình kiểm tra, cán bộ, chiến sĩ không quên nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân đánh bắt hải sản đúng quy định.
Bên cạnh đó, để gắn kết, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân đồn tổ chức nhiều mô hình như "Ăn sáng cùng ngư dân", "Cà phê sáng cùng ngư dân", "Tiếng loa biên phòng"...
Thượng tá Nguyễn Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết, trong quý I, đơn vị đã tổ chức 7 buổi tuyên truyền cho gần 900 ngư dân. Đồng thời, đơn vị phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý khi có trường hợp vi phạm khai thác IUU.
"Các mô hình hiện đang được Đồn Phước Tỉnh triển khai hiệu quả, thu hút nhiều ngư dân tham gia, tạo hiệu quả cho công tác tuyên truyền. Với những nỗ lực này, từ đầu năm đến nay, huyện Long Điền không có vụ việc tàu cá vi phạm đánh bắt trái phép", Thượng tá Nguyễn Văn Phương nói.
Quý I/2024, lực lượng BĐBP đã phát hiện xử lý 49 trường hợp vi phạm IUU, với số tiền gần 2 tỷ đồng. |
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trên đất liền, BĐBP tỉnh còn điều động 1 kíp tàu trực để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU cho các tàu cá trên biển.
Đại tá Trần Ngọc Tăng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh đánh giá, thời gian qua, đơn vị đã triển khai công tác phòng, chống IUU hiệu quả trên cả 3 điểm: kiểm tra tại đồn, trạm; tăng cường lực lượng tại các khu vực trọng điểm; tuần tra gần bờ.
"Là lực lượng thường xuyên tiếp cận, kết nối với ngư dân, nên lực lượng BĐBP sẽ phát huy thế mạnh để bám chắc địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, đồng thời, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài để phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam", Đại tá Trần Ngọc Tăng nói.
Bài, ảnh: VƯƠNG LÂM