Bịt lỗ hổng truy xuất nguồn gốc thủy sản

Thứ Năm, 02/05/2024, 17:26 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành thủy sản đang khẩn trương triển khai ghi nhật ký và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cho ngư dân, cảng cá nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU.

Cán bộ Cục Thủy sản hướng dẫn ngư dân và đại diện cảng cá sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản đánh bắt.
Cán bộ Cục Thủy sản hướng dẫn ngư dân và đại diện cảng cá sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản đánh bắt.

Yêu cầu cấp bách

Theo đại diện Bộ NN-PTNT, cuối tháng 4/2024 vừa qua, Bộ đã thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, sang Bỉ để làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, EC ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua về công tác chống IUU.

Tuy nhiên, EC cũng khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia điện tử về việc quản lý đội tàu cá, cảng cá, DN trong hoạt động đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và chế tài, xử lý vi phạm. Hiện nay, việc ghi nhật ký khai thác điện tử mới đạt khoảng 50% số tàu cá và còn nhiều sai sót, hồi ký. Việc quản lý sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác ở các cảng cá cũng chưa tốt, còn nhiều “lỗ hổng” chưa được kiểm soát.

Bà Võ Thị Lam, chủ tàu cá BV 92311 TS (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) thực hành ghi nhật ký khai thác điện tử trên phần mềm eCDT VN.
Bà Võ Thị Lam, chủ tàu cá BV 92311 TS (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) thực hành ghi nhật ký khai thác điện tử trên phần mềm eCDT VN.

Chính vì thế, việc thực hiện nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là yêu cầu cấp bách để minh bạch hóa sản lượng khai thác, tiến tới một nghề cá xanh, sạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững, cùng ngư dân cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra sắp tới của EC.

Đây cũng là khuyến nghị của EC trong lần thanh tra tại Việt Nam vào tháng 10/2023. Thực hiện khuyến nghị này, trong các cuộc họp triển khai công tác chống IUU, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, các cảng cá và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc triển khai ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm trước khi đón đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 5 vào cuối tháng 5/2024.

Theo tinh thần đó, tỉnh đã triển khai cho 2 DN là Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP.Vũng Tàu) và Công ty CP Thiết bị điện hàng hải - MECOM (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện thí điểm việc ghi nhật ký điện tử hải sản khai thác cho các tàu cá trên địa bàn. Cuối tháng 2/2024, Cục Thủy sản cũng đã tập huấn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia (eCDT VN) đến các chi cục thủy sản, cảng cá, đồn biên phòng trên toàn quốc.

Triển khai rộng cho ngư dân, cảng cá

Ngày 25/4, Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai hội nghị tập huấn sử dụng hệ thống phần mềm eCDT VN cho hơn 200 ngư dân, cán bộ cảng cá, đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là đợt tập huấn cuối với quy mô lớn. Sau đó, Sở NN-PTNT sẽ đẩy mạnh triển khai trong ngư dân, cảng cá, đồn biên phòng và các DN mua bán, xuất khẩu thủy sản.

Nhân viên các cảng cá, đồn biên phòng thực hành trên phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản eCDT VN.
Nhân viên các cảng cá, đồn biên phòng thực hành trên phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản eCDT VN.

Bà Võ Thị Lam (ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ tàu cá BV 92311 TS dài trên 15m, chuyên đánh bắt xa bờ nghề lưới kéo đơn chia sẻ: “Có phần mềm này, chúng tôi không lo việc ghi sai nhật ký khai thác, hồi ký hay chữ xấu”.  

Phần mềm eCDT VN hỗ trợ ngư dân khai báo xuất, nhập bến nhanh, thuận lợi, chính xác, nhất là đối với những chủ tàu có nhiều tàu cá, khắc phục được lỗi ghi hồi ký hiện nay. Phần mềm cũng hỗ trợ cảng cá, đồn biên phòng xác nhận, kiểm tra tàu cá ra, vào cảng khi nguồn lực, trang bị hạn chế; hỗ trợ cảng cá, chi cục thủy sản cấp biên nhận, giấy xác nhận, chứng nhận xuất khẩu nhanh chóng, chính xác.

Nghị định 38/2024/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/5/2024, quy định việc ghi nhật ký khai thác thủy sản là bắt buộc đối với các tàu cá. Cụ thể, hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2-30 triệu đồng, tùy kích thước tàu, đối với các trường hợp tàu cá không nộp báo cáo, ghi không đúng hoặc không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản. Riêng đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, nếu tái phạm nhiều lần, mức xử phạt có thể lên đến 700 triệu đồng.

Các chủ tàu cá có thể ngồi ở nhà, vào app eCDT VN khai báo và đăng ký xuất bến. Cảng và Đồn Biên phòng sẽ duyệt hồ sơ trên phần mềm này, nếu thỏa các điều kiện sẽ cho tàu xuất bến.

Trong quá trình đi biển, thuyền trưởng sẽ ghi nhật ký khai thác mỗi mẻ cá đánh bắt được lên app eCDT VN. Nếu không áp dụng nhật ký khai thác điện tử, chủ tàu sẽ chụp hình bản ghi tay và gửi lên hệ thống phần mềm này. Khi về bờ, cảng cá sẽ hỗ trợ in ra cho ngư dân.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định việc thực hiện các quy định chống IUU là yêu cầu cấp bách và bắt buộc để cùng ngư dân cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU, trong đó có việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. “Những trường hợp tàu cá không thỏa các yêu cầu, quy định chống IUU sẽ không được xuất bến”, bà Na nói.  

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.