Trồng lúa theo hướng VietGAP tăng thu nhập cho nông dân

Thứ Hai, 15/04/2024, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện Long Điền thí điểm thành công mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, với diện tích 12ha của 24 hộ dân trên địa bàn xã An Nhứt. Mô hình này mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, liên kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Lúa trồng theo hướng VietGAP giúp nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền có lợi nhuận cao.
Lúa trồng theo hướng VietGAP giúp nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) có lợi nhuận cao.

Ông Trần Minh Trí (ấp An Lạc, xã An Nhứt) canh tác lúa theo hướng VietGAP trên diện tích 8 sào. Tham gia mô hình, ông Trí được hỗ trợ 80kg giống Đài thơm 8, 4 bao phân và thuốc BVTV bằng sinh học. Sau khoảng 3 tháng, lúa đã cho thu hoạch gần 7 tấn, cao hơn so với canh tác truyền thống trước đây gần 2 tấn. Với giá bán tương đối ổn định như hiện nay và lúa được bao tiêu sản phẩm nên sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn 2-3 triệu đồng so với trước.

Ông Trần Minh Trí cho biết: “Khi tham gia mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, tôi thấy quy trình chăm sóc kiểm soát được lượng thuốc, phân, không tăng chi chí đầu vào. Lúa phát triển tốt, năng suất cũng cao hơn”.

Bà Dương Thị Cẩm Hồng cũng vừa thu hoạch 5 sào lúa Đài thơm 8 trồng theo hướng VietGAP với gần 5 tấn lúa. Theo bà Hồng, trồng lúa theo hướng VietGAP không làm tăng chi phí đầu tư. Các loại phân thuốc hóa học sử dụng trước đây giảm dần và thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. 

"Nhờ đó, cây lúa phát triển tốt hơn, năng suất lúa tăng hơn 20% so với phương pháp canh tác thông thường. Giá bán lúa cũng cao hơn từ 200-300 đồng/kg, nên lợi nhuận cũng tăng theo”, bà cho hay.

Nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) chăm sóc lúa trồng  theo hướng VietGAP.
Nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) chăm sóc lúa trồng theo hướng VietGAP.

Xã An Nhứt (huyện Long Điền) có 425ha lúa, sản xuất theo 3 vụ, trong đó có 12ha với  24 hộ hội viên nông dân tham gia sản xuất lúa VietGAP. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về ghi chép nhật ký sản xuất, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, kỹ thuật canh tác, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại… Đồng thời, được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, sau 3 tháng triển khai, bình quân năng suất lúa trồng theo hướng VietGAP đạt từ 8-9 tấn/ha. Toàn bộ diện tích trồng lúa theo hướng VietGAP đều được liên kết với DN trong việc cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt, mô hình góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững.

“Chúng tôi muốn thay đổi tập quán sản xuất cũ của bà con sang canh tác mới. Theo đó, thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hội viên mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Trần Công Danh cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.