Sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Thứ Ba, 23/04/2024, 18:16 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên trên địa bàn TT.Long Hải (huyện Long Điền) phát triển kinh tế theo hướng liên kết, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh phù hợp với khu vực đô thị. Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân đã cải thiện được thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Cơ sở đan lưới của chị Thu tạo việc làm cho từ 7-10 chị em trong khu phố, với mức thu nhập trung bình khoảng 250 ngàn đồng/người/ngày.
Cơ sở đan lưới của chị Thu tạo việc làm cho 7-10 chị em trong khu phố, với mức thu nhập trung bình khoảng 250 ngàn đồng/người/ngày.

Sống khỏe với nghề đan lưới

Mỗi năm, vào mùa từ tháng 4-6, thời tiết thuận lợi cho khai thác hải sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh lưới đánh cá cũng vì thế mà nhộn nhịp hẳn lên.

Về làng cá Long Hải mùa này, không khí đan, vá lưới rộn ràng không kém những làng chài khác trong tỉnh. Bàn tay người nào người nấy thoăn thoắt bắt phao, đan lưới một cách thuần thục và gọn lẹ.

Chị Huỳnh Thị Thu (KP.Hải Hà 2, TT.Long Hải) làm nghề đan bắt phao, chì lưới đã gần 10 năm nay. Công việc này hiện là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Chị Thu cho biết, nhờ Hội Nông dân thị trấn hỗ trợ, năm 2022, gia đình chị tiếp tục được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND để mua vật tư, phát triển nghề đan lưới cá.

“Gia đình tôi sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, những năm gần đây, các loại vật tư, giá cả tăng cao, cuộc sống của ngư dân gặp không ít khó khăn. Từ lúc được hỗ trợ vốn vay phát triển nghề lưới, không những các thành viên trong gia đình ai cũng kiếm ra tiền, mà chị em trong khu phố cũng có thu nhập ổn định, kinh tế khá hơn”, chị Thu chia sẻ.

Cũng là người được vay vốn từ Quỹ HTND và có kinh nghiệm với nghề đan lưới, chị Huỳnh Thị Liên cho biết, nghề đan lưới tuy không vất vả, nặng nhọc nhưng để đan được một tấm lưới đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi người thợ đan phải khéo léo. Để hỗ trợ lẫn nhau, 15 chị em trong tổ hội nghề nghiệp vần đổi công đan lưới, vừa giúp gia đình có ngư lưới cụ khai thác hải sản, vừa tăng thêm thu nhập. Số chị em không có ghe tàu thì nhận lưới gia công, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng.

Ông Trần Quốc Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND TT.Long Hải cho biết, những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả, trở thành kênh tín dụng thiết thực, giúp nhiều hội viên, nông dân có thêm thu nhập từ nghề đan lưới, phát triển dịch vụ, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, nếu như đầu năm 2023, Hội Nông dân thị trấn có 3 hội viên nghèo, thì đến cuối năm 2023, địa phương không còn hộ hội viên nông dân nghèo, hộ khá và hộ giàu ngày càng tăng.

Chị Nguyễn Thị Xuân (bên trái), Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cây kiểng (KP.Hải An, TT.Long Hải) giới thiệu với khách hàng các loại hoa kiểng.
Chị Nguyễn Thị Xuân (bên trái), Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cây kiểng (KP.Hải An, TT.Long Hải) giới thiệu với khách hàng các loại hoa kiểng.

Thu nhập khá từ kinh doanh hoa kiểng

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở TT.Long Hải mạnh dạn đầu tư trồng hoa kiểng và có thu nhập khá từ nghề này. Chị Nguyễn Thị Xuân, Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cây kiểng (KP.Hải An, TT.Long Hải) là một điển hình.

Với niềm đam mê sinh vật cảnh, những năm trước đây, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị Xuân trồng vài chậu hoa lan, vài chậu mai vàng chủ yếu để trang trí trong gia đình và thư giãn sau những giờ lao động. Nhờ biết chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng thành những sản phẩm cây kiểng đẹp, được nhiều khách trong và ngoài huyện ưa chuộng. Từ đây, chị quyết định thuê gần 1.000m2 đất sát trục đường chính, nhập thêm hoa giấy, một số loại hoa kiểng khác để kinh doanh tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Năm 2023, chị Xuân được Hội Nông dân thị trấn tạo điều kiện cho vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoa kiểng. Hiện mỗi tháng, gia đình chị Xuân bán ra thị trường hơn 500 chậu hoa kiểng các loại, lợi nhuận đem về gần 25 triệu đồng.

Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân.

Ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền cho biết, trên địa bàn huyện Long Điền hiện có 9 Chi hội nghề nghiệp với 398 thành viên; 81 Tổ hội nghề nghiệp với 575 thành viên. Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ HTND huyện đã giải ngân 350 triệu đồng/7 hộ hội viên thực hiện dự án trồng trọt, chăn nuôi; Quỹ HTND tỉnh đã thẩm định, giải ngân 28 dự án/275 hộ vay với tổng số tiền 13,76 tỷ đồng.

“Nguồn Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ hội viên khó khăn có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đặc biệt, với phương thức cho vay theo các dự án, nhóm hộ, Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, xóa bỏ dần tập quán làm ăn manh mún, từng bước hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua hoạt động của Quỹ HTND, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin và thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội”, ông Sơ thông tin thêm.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- NGUYỄN PHƯỚC

 
;
.