Ô nhiễm do rác thải nhựa là vấn đề môi trường toàn cầu. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trái đất.
Khu phố 3, phường 7, TP. Vũng Tàu tham gia thu gom các loại chai nhựa để bán ve chai. |
Giảm rác - tăng xanh
Trong căn nhà cấp 4 ở tổ 5, thôn 1, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), chị Võ Kim Hiếu dành một góc để gom các chai nhựa, can nhựa, giấy... Chị Hiếu cho biết, trước đây tất cả các loại rác gia đình chị thường bỏ chung vào một bao. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, chị phân rác có khả năng tái chế riêng. “Nếu tận dụng được các loại rác tái chế thì sẽ giảm rác phải thu gom, xử lý trong đó có rác thải nhựa”, chị Hiếu nói.
Cũng bằng hình thức phân loại như chị Hiếu, bà Hồ Thị Cát Tường (184 Nguyễn Tri Phương, TP. Vũng Tàu) hàng ngày tự phân loại rác thải tại nhà. Bà Tường cho biết: “Cái nào có thể tái chế được, cuối tuần tôi mang ra trụ sở khu phố để gộp chung với chị em phụ nữ, sau đó bán ve chai. Số tiền bán được chúng tôi đóng góp cho hội phụ nữ để giúp đỡ những hội viên nghèo. Tôi nghĩ, mỗi người một tay sẽ góp phần giảm bớt rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tốt hơn và làm được nhiều việc có ích hơn”.
Tại các vùng nông thôn, phong trào phân loại rác tại nguồn để giảm nhựa, tăng xanh cũng được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng được coi là nguồn nguyên liệu cần được tái chế, chứ không phải là phế liệu vứt bỏ. Năm 2019, Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG (SCGC) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tham gia hợp tác công tư nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2020 đến nay, SCG và LSP đã triển khai “Dự án phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Theo đại diện LSP, SCG và LSP luôn đặt mục tiêu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để có thể tăng tỷ lệ tái chế tại Việt Nam, đặc biệt là tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ đó giúp địa phương giảm nhựa, tăng xanh, vì một tương lai bền vững hơn.
Vì một trái đất khỏe mạnh
Thống kê của Sở TN-MT cho biết, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 950-1.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại được chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời. Do đó, việc phân loại rác tại nguồn ngay từ mỗi gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Phân loại rác tại nguồn nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết thêm, hiện tỉnh đang tổ chức phân loại, thu gom chất thải rắn tại nguồn. Trong đề án này, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải nhựa xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn.
Ngày Trái Đất (Earth Day) là sự kiện vận động mọi người nâng cao nhận thức về các giá trị của môi trường tác động đến Trái Đất. Đồng thời, đây là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới do Liên Hợp Quốc phát động vào ngày 22/4 hàng năm. Năm 2024, ngày Trái Đất có chủ đề “Trái Đất và nhựa”. |
Đối với các huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn bằng hoặc hơn 40%. Đối với các xã nông thôn mới, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định đạt hơn 90%, đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt hơn hoặc bằng 98%. Ngoài ra, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phấn đấu 100% túi ni lông thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy.
“Để đạt được tất cả những mục tiêu này cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. Giảm giảm rác, tăng xanh thì trái đất mới khỏe mạnh được”, ông Hải nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ