Không lơ là, chủ quan trong phòng chống cháy rừng

Thứ Tư, 13/03/2024, 16:54 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay đang là cao điểm mùa khô năm 2023-2024, thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng nóng, cấp độ cảnh báo cháy rừng ở mức 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng phối hợp với các địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng, nhất là tại những địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cao.

Lực lượng kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc tuần tra rừng.
Lực lượng kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc tuần tra rừng.

Tăng cường kiểm soát bằng công nghệ

Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ quản lý hơn 7.000ha rừng phòng hộ, tập trung ở TX. Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu. Khu vực rừng ở đây khá phức tạp, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn TX.Phú Mỹ, do nằm xen với đất nông nghiệp, lại có nhiều chùa chiền, vào các ngày lễ, Tết khách hành hương đi chùa hoặc tham quan du lịch rất đông, nên nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Ông Đào Văn Điền, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ cho biết, đơn vị đã chủ động các phương án, kế hoạch phòng chống cháy rừng (PCCR), làm đường băng cản lửa, đốt chủ động, bơm đầy nước trong các hồ chứa…; tăng cường kiểm soát người ra vào rừng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng”.

Đồng thời, đơn vị cũng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám cơ sở, khoanh vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phân công cán bộ trực 24/24h để theo dõi, tiếp nhận thông tin khi có cháy rừng xảy ra; ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sống trong và ven rừng thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCR. Hạt cũng thường xuyên sử dụng thiết bị flycam để bay tuần tra rừng, qua đó theo dõi và kịp thời phát hiện những bất thường và có phương án xử lý.

Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc đang quản lý hơn 16 ngàn ha rừng trải dài trên địa bàn 6 xã và 1 thị trấn với 3 loại rừng. Diện tích rừng khu vực này lớn, phức tạp. Cụ thể, ở ven rừng và đất lâm nghiệp, các hộ dân sinh sống, canh tác dựa vào nghề nông. Trong rừng, một số hộ dân trồng xen kẽ các loại cây nông nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái lâu năm hoặc sinh sống bằng nghề lấy lâm sản ngoài gỗ như: mật ong, củi, các loại nấm, bẫy chim thú rừng… Vì vậy, nguy cơ cháy rừng cao.

Ông Lê Đình Hải, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc cho biết, do diện tích rừng rộng nên vào cao điểm mùa khô, Hạt đã tăng cường sử dụng flycam để bay bao quát rừng. Từ đó kịp thời kiểm soát khi phát hiện nguồn nhiệt bất thường. Hạt cũng đã đưa vào sử dụng phần mềm báo cháy. "Qua hệ thống vệ tinh nếu phát hiện cháy rừng, hệ thống sẽ nhắn tin qua phần mềm này vào điện thoại của ban chỉ đạo. Từ đó, ban chỉ đạo sẽ xác minh thông tin và kịp thời có phương án xử lý”, ông Hải thông tin.

Sẵn sàng ứng phó

Ông Ngô Thanh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, hanh, khô, gió to nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chủ rừng thường xuyên tuyên truyền đến người dân sống ven rừng, trong rừng và thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở chùa chiền, am cốc trên núi về việc bảo vệ và PCCR.

Từ cuối tháng 1 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy trong và ngoài lâm phần thuộc các địa phương Vũng Tàu, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Phú Mỹ, với diện tích cháy hơn 9,4ha. Các vụ cháy trong và ngoài lâm phần chủ yếu là cháy thực bì, cỏ le, lá khô, cây mục với diện tích thiệt hại khoảng 0,2ha và không gây thiệt hại đến cây rừng. So với cùng kỳ mùa khô 2022-2023, số vụ cháy rừng tăng 4 vụ.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng chỉ đạo các đơn vị trong giờ cao điểm sử dụng thiết bị flycam để tuần tra, kiểm tra các khu vực rừng để kịp thời phát hiện sớm các đám cháy để dập tắt, khống chế. Đồng thời tiếp tục phối hợp với chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong những giờ cao điểm các khu vực rừng trên địa bàn tỉnh.

"Trong những tháng cao điểm nắng nóng, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, chủ động và quyết liệt tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCR. Các chủ rừng phối hợp các địa phương bố trí lực lượng trực, canh gác phát hiện sớm lửa rừng; tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm nắng nóng; chuẩn bị lực lượng, máy móc, dụng cụ, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra”, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.