Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vùng nông thôn

Thứ Hai, 29/01/2024, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 70% người sử dụng dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) sinh sống ở vùng nông thôn. Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Nhân viên VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn tiểu thương cài đặt ứng dụng VNPT Money.
Nhân viên VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn tiểu thương cài đặt ứng dụng VNPT Money.

Số lượng người dùng tăng nhanh

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm cung ứng dịch vụ mobile money, hay còn gọi là tiền di động trên phạm vi toàn quốc cho 3 DN viễn thông, gồm: Viettel, VNPT và Mobifone. Sau hơn 2 năm, số lượng người sử dụng các ứng dụng tiền di động tăng nhanh.

Theo đại diện VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2023, gần 1,8 triệu khách hàng đã đăng ký và sử dụng dịch vụ mobile money của DN này. Trong đó, riêng tại địa bàn tỉnh, có hơn 35 ngàn người đăng ký.

Hiện nay, có hàng ngàn điểm giao dịch của Vinaphone và gần 200.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPay QR, Payoo QR và VNPT Money QR trên toàn quốc. VNPT cũng là đơn vị đầu tiên đưa mobile money lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, giúp người dân thuận tiện khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

“Đặc biệt, nhằm khuyến khích người dùng đăng ký sử dụng và tăng cường phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, VNPT dự kiến điều chỉnh về cơ chế sử dụng, cho phép thuê bao không bị giới hạn thời gian kích hoạt ít nhất 3 tháng; nâng hạn mức dịch vụ từ 10 triệu đồng hiện nay lên 100 triệu đồng, tương đương hạn mức dành cho ví điện tử”, đại diện VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu nói.

Viettel là DN có số lượng khách hàng sử dụng mobile money nhiều nhất cả nước, với gần 25 triệu khách hàng, gần 4 triệu thuê bao. Số lượng khách hàng đang sử dụng mobile money của Viettel chiếm hơn 70% tổng số khách hàng mobile money toàn quốc, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Những con số ấn tượng nêu trên nhờ Viettel Money vừa đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng, vừa có những công nghệ giúp người dùng sử dụng dịch vụ đơn giản, tiện lợi, mà vẫn đảm bảo yếu tố bảo mật và an toàn thông tin.

Đại diện Viettel cho biết, mong muốn thúc đẩy tiến trình số hóa tại Việt Nam, Viettel Money đã khởi động “Chuyến xe chuyển động số”, với mục tiêu góp phần xóa mờ khoảng cách công nghệ giữa thành thị và nông thôn. Chương trình đã đi tới 12 xã thuộc 6 tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp người dân được trải nghiệm thực tế công nghệ thanh toán hiện đại, tiện lợi.

Mobile money là công nghệ cho phép mọi người có thể gửi/nhận tiền, chi tiêu, thanh toán các dịch vụ… bằng điện thoại di động mà không cần qua trung gian. Điểm khác biệt lớn nhất giữa mobile money và ví điện tử đó là người dùng có thể nạp tiền trực tiếp vào tài khoản để sử dụng chứ không bắt buộc liên kết với tài khoản ngân hàng.

Hoàn thiện quy định pháp luật cho tiền di động

Theo Bộ TT-TT, việc triển khai thí điểm mobile money là một chủ trương lớn, với sự vào cuộc tích cực của các DN viễn thông nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, những nơi người dân khó tiếp cận với các điểm giao dịch ngân hàng. 

Thời gian qua, việc triển khai thí điểm dịch vụ mobile money đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chất lượng dịch vụ của các DN được thực hiện thí điểm mobile money tốt, với nhiều kênh thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết gia hạn thời gian thực hiện thí điểm mobile money đến hết ngày 31/12/2024, đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ này trước tháng 5/2024.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực này cần chú ý một số nội dung như: quy định DN đủ điều kiện cung cấp dịch vụ; điều kiện đăng ký sử dụng dịch vụ; quy định về các hoạt động thanh toán; quy định về bảo mật thông tin; hạn mức sử dụng và phạm vi thực hiện giao dịch hàng hóa, dịch vụ…

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.