Phát triển công nghiệp điện thân thiện môi trường

Chủ Nhật, 07/01/2024, 16:41 [GMT+7]
In bài này
.

Công nghiệp sản xuất điện năng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tiếp tục lấy các dự án điện khí làm chủ lực; đồng thời, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lãnh đạo Sở Công thương và PTSC ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện gió.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lãnh đạo Sở Công thương và PTSC ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện gió.

Điện khí tiếp tục là chủ lực

Cuối tháng 10/2023, dự án Kho LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) Thị Vải do Tổng Công ty khí Việt nam (PV Gas) đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1, với sức chứa 180 ngàn m3, công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm. Giai đoạn 2 của dự án cũng đang triển khai thủ tục đầu tư với công suất dự kiến 3 triệu tấn/năm.

Trước đó vào tháng 7/2023, PV Gas đã nhập về 70.000 tấn LNG trị giá khoảng 830 tỷ đồng. Đến thời điểm này, việc vận hành kho cảng bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Dự án có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang suy giảm, nhưng nhu cầu sử dụng khí cho phát điện ngày càng tăng”, ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV Gas nhấn mạnh tại lễ khánh thành.

Kỹ sư vận hành tại trung tâm điều hành nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ.
Kỹ sư vận hành tại trung tâm điều hành nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ.

Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm dự án Kho tiếp nhận LNG Hải Linh, công suất khoảng 3 triệu tấn/năm do Công ty TNHH Hải Linh đang đầu tư xây dựng. Việc đầu tư các kho chứa tăng cường năng lực nhập khẩu khí LNG, bù đắp nguồn khí ngoài khơi dự báo sẽ thiếu hụt sau năm 2023 để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là cho ngành điện của tỉnh trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, lượng phát thải carbon thấp hơn rất nhiều so với nhiệt điện than nên thân thiện với môi trường. Các dự án kho chứa LNG quy mô lớn đã giải quyết nỗi lo thiếu nhiên liệu, giúp ngành điện khí Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục “yên tâm” trở thành ngành công nghiệp năng lượng chủ lực của tỉnh.

Kho chứa LNG Thị Vải tạo sự ổn định về nhiên liệu cho ngành điện khí Bà Rịa-Vũng Tàu.
Kho chứa LNG Thị Vải tạo sự ổn định về nhiên liệu cho ngành điện khí Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cùng với các dự án điện khí lớn đang vận hành ổn định của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3…, Sở Công thương đang phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn để UBND tỉnh xem xét thông qua, trình Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Công suất dự kiến của dự án là 1.500MW, đi vào hoạt động trong giai đoạn 2026-2030. Có thể khẳng định, điện khí sẽ tiếp tục là ngành công nghiệp chủ lực của Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian sắp tới.  

Điện gió ngoài khơi cho tương lai

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, cùng với phát triển điện khí, Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định quan điểm chỉ đạo: phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Do đó, ngoài các dự án điện khí có quy mô lớn, chủ trương của tỉnh là ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi để tạo ra nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường nhưng vẫn tiết kiệm quỹ đất. “Tiềm năng đăng ký khảo sát nghiên cứu đầu tư khoảng 14.000MW, tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Danh thông tin thêm.

Trong tổng công suất nguồn phát điện toàn tỉnh đạt khoảng 4.909MW (chiếm khoảng 7,08% tổng công suất nguồn cả nước) thì 90% là nguồn điện khí. Còn lại chủ yếu là điện mặt trời với công suất gần 510MW (bao gồm cả điện mái nhà), chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Phần không đáng kể còn lại là thủy điện và điện dielsel Côn Đảo. Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng khoảng 33,5 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 13,13% sản lượng sản xuất và nhập khẩu.

Vừa qua, liên danh PTSC-Sembcorp (Singapore) đã được trao giấy phép khảo sát, trở thành DN đầu tiên, duy nhất được Bộ TN-MT cấp phép triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Liên danh PTSC-Sembcorp sẽ triển khai công tác đo gió, khảo sát biển và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm thu thập dữ liệu cần thiết để chuẩn bị đầu tư, phát triển dự án. Với các dự án này, PTSC cần nguồn cung thép chất lượng cao rất lớn, cần chuỗi liên kết với sự tham gia của nhiều DN. Đây cũng là cơ hội lớn cho các DN sản xuất loại vật liệu này trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, Bà Rịa-Vũng Tàu có điều kiện về tự nhiên lẫn kinh tế-xã hội để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phát triển các nguồn năng lượng này, đặc biệt là điện gió ngoài khơi phải phù hợp định hướng quốc gia, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, quốc phòng - an ninh… của tỉnh. Đồng thời, phải chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải và phân phối đáp ứng yêu cầu đề ra.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.