Dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh vào những tháng cuối năm, nhất là những ngày cận Tết khiến nhiều người nuôi bị thiệt hại nặng nề. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 ổ dịch tại 4 huyện. Đến nay còn 1 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Người nuôi heo ở huyện Châu Đức phun khử khuẩn chuồng trại. |
Người chăn nuôi thiệt hại nặng nề
Gia đình ông Nguyễn Đình Khôi (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) nuôi 397 con heo trong trang trại chuồng lạnh khép kín, không cho người lạ ra vào và thường xuyên tiêu độc khử trùng trang trại nuôi. Thế nhưng, giữa tháng 12/2023 vừa qua, đàn heo của gia đình bỗng dưng bị dịch tả heo châu Phi.
Ngay khi phát hiện đàn heo của gia đình bị dịch tả châu Phi, đợt đầu gia đình ông phải tiêu hủy 155 con, đồng thời, triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác phòng, chống bệnh. Mặc dù vậy, hơn một tháng sau, ổ dịch tại gia đình ông tiếp tục lây lan sang các con khác, buộc gia đình phải tiêu hủy thêm một đàn nữa, nâng tổng số heo phát bệnh đã phải tiêu hủy 2 đợt hơn 200 con.
“Hiện trong trang trại còn hơn 180 con, nhưng tôi luôn phập phồng lo lắng vì sợ dịch tiếp tục lây sang các con khác. Năm nay coi như gia đình tôi mất Tết, vì bao nhiêu vốn liếng đều đổ hết vào đàn heo mong vụ Tết có thêm thu nhập. Dịch tả heo châu Phi đến thời điểm này đã gây thiệt hại cho gia đình tôi hơn 500 triệu đồng”, ông Khôi chia sẻ.
Điều đáng nói, gia đình ông Khôi đã đi khắp nơi tìm mua vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi ngay khi bắt đầu nuôi lứa heo này nhưng trên thị trường không có vắc xin, khiến người chăn nuôi thiệt hại lớn.
Còn gia đình bà Trầm Thị Hoa (ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) tháng 11/2023 cũng đã phải tiêu hủy cả đàn heo 39 con, với trọng lượng khoảng 30kg/con. Đây là số heo mà gia đình bà đã nuôi được 2 tháng chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.
Bà Hoa chia sẻ, cuối tháng 10/2023, trong đàn heo có một con biểu hiện mệt mỏi, bỏ ăn sau đó lây sang cả đàn và một số con bị chết. Thú y xã đã vào lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, sau đó phải tiêu hủy toàn bộ đàn heo.
“Gia đình tôi nuôi heo gần 20 năm nhưng chưa bao giờ gánh chịu thiệt hại nặng như hiện nay, dù tôi đã rất kỹ lưỡng trong khâu khử trùng, tiêu độc cho đàn heo nuôi. Nuôi đàn heo này để bán vào dịp Tết Nguyên đán với hy vọng tăng thêm thu nhập nhưng dịch tả heo châu Phi ập tới khiến vợ chồng tôi trắng tay. Chúng tôi thiệt hại cả tiền con giống, tiền cám, tiền công là hơn 100 triệu đồng”, bà Hoa sầu não nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, tính từ tháng 9 đến tháng 12/2023 trên địa bàn huyện đã xảy ra 14 ổ dịch bệnh tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy 454 con heo. Từ giữa tháng 1/2024 đến nay trên địa bàn huyện cũng đã ghi nhận thêm một ổ dịch buộc phải tiêu hủy hơn 20 con, hiện ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Không để phát sinh ổ dịch mới
Theo số liệu hệ thống thông tin quản lý dịch bệnh Việt Nam, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 11 tỉnh, thành trên cả nước với 30 ổ dịch. Số heo chết phải tiêu hủy cũng đã hơn 600 con.
Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn 1 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Ông Thịnh Đức Minh- Cán bộ Phòng Nghiệp vụ Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, dịch tả heo châu Phi trong năm 2023 diễn ra nhỏ lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, rải rác từ tháng 8 đến cuối năm 2023 và sang cả năm 2024, trong đó tập trung nhiều ở huyện Châu Đức.
Ông Thịnh Đức Minh nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật tại tỉnh rất cao, nhất là dịch tả heo châu Phi. Nguyên nhân do tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới gia tăng cộng với thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi… tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh và lây lan.
“Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, kịp thời phát hiện, xử lý và khống chế không để xảy ra trên phạm vi rộng, theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp với các ban, ngành và UBND các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung các nguồn lực của địa phương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới… Đặc biệt, Chi cục triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh 2 tuần trước và sau Tết Nguyên đán”, ông Minh thông tin.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; chủ động thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép và giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: SONG BÌNH