Linh hoạt sản xuất hàng Tết

Thứ Ba, 16/01/2024, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này, hơn 4 sào đất trồng dưa hấu được bà Nguyễn Thị Chín (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) thuê để chuẩn bị bán dịp Tết đã chi chít quả. Để có những trái dưa tròn, to, đẹp chưng dịp Tết, bà dành hết thời gian trong ngày để tỉa trái, tưới nước. “Nhưng cũng thấp thỏm lắm, dù vụ Tết luôn được trông đợi dưa sẽ đắt hàng, lãi cao đặng có tiền chi tiêu Tết. Nhưng thị trường Tết luôn bất ngờ, khó đoán nên vừa làm vừa nghe ngóng, chứ như năm ngoái dưa ế thì lỗ to, chỉ đủ trả tiền thuê đất và coi như làm công không”, bà Chín nói.

Thông thường, dịp Tết luôn được nông dân, HTX, DN trông mong bởi đây là đợt tiêu thụ lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, với dự báo năm nay sức mua thấp hơn đang khiến các nhà vườn, HTX, DN không khỏi lo lắng. Khảo sát tại các nông trại, cơ sở sản xuất đang vào đợt cao điểm cho hàng Tết. Trước mắt là phục vụ nhu cầu của các DN làm quà Tết cho người lao động. Ghi nhận cũng cho thấy, năm nay trước tình hình khó khăn của kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên các cơ sở, DN cũng khá dè dặt khi sản lượng chỉ bằng hoặc tăng nhẹ so với năm ngoái 5-10%. Trong khi đó, các nhà vườn trồng hoa Tết cũng có xu hướng giảm diện tích và giảm số lượng cây, chậu hoa.

Khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho thấy, mức tiêu dùng năm nay kém khả quan. Nhiều người tiêu dùng  vẫn bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và nhiều gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, tăng hơn nhiều so với giai đoạn bình thường mới sau dịch COVID-19. Kantar Việt Nam dự báo, người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm dịp Tết Nguyên đán này. Xu hướng mua quà biếu, tặng ngày Tết dự báo sẽ có sự chuyển dịch lớn khi người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn những giỏ quà có tính ứng dụng cao, đa dạng món hàng và giá cả hợp lý thay vì chọn quà theo thương hiệu, hình thức. Ngoài ra, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng với truyền thống của người Việt Nam, Tết Nguyên đán là tết cổ truyền, lớn nhất trong năm nên nhu cầu sắm Tết vẫn được người tiêu dùng quan tâm.

Do đó, nông dân, HTX, cơ sở sản xuất cũng như DN cần nắm bắt tâm lý, hành vi tiêu dùng thay đổi trong bối cảnh khó khăn để có chiến lược phù hợp, đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng đối tượng khách hàng. Nếu “bắt mạch” đúng, thì Tết vẫn là cơ hội bán hàng lớn nhất trong năm.

NGÔ GIA

 
;
.