Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh
Ngày 23/1, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, BQL các KCN tỉnh (Biza) phối hợp với Văn phòng JICA Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khởi động dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng KCN kiểu mẫu/KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Shunsuke Hieda, Trưởng Ban cố vấn nhóm chuyên gia JICA thông tin hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh vào xây dựng KCN sinh thái tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Khuyến khích đầu tư xanh có trách nhiệm
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Viết Phúc, Phó trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết, thực hiện chương trình “Sáng kiến phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” (gọi tắt là chương trình PBEG), Biza đã xây dựng dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng KCN kiểu mẫu/KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.
Mục tiêu nhằm xây dựng các KCN phát triển bền vững theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị. Đây chính là chìa khóa để thu hút vốn FDI chất lượng cao cho tỉnh. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021 và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. JICA Việt Nam triển khai thực hiện dự án.
Toàn cảnh hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Masayuki Karasawa, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu hiện đại hóa công nghiệp đến năm 2030 và đang khuyến khích huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển các ngành công nghiệp xanh có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, dự án được khởi động sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất - kinh doanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và tăng quy mô kinh tế, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển, đáp ứng cho yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Trước đây, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã phải trả chi phí cao cho việc thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất, công nghiệp nặng, bao gồm cả các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Dự án không chỉ nhằm mục đích tránh những chi phí như vậy mà còn cải thiện hình ảnh thương hiệu của KCN và của tỉnh nói chung, đồng thời khuyến khích đầu tư xanh có trách nhiệm, bao gồm cả trong ngành hóa chất công nghiệp nặng”, ông Masayuki Karasawa nhấn mạnh.
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được chọn
Theo Biza, dự án sẽ triển khai trong vòng 4 năm từ 2024 đến 2027. KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được chọn triển khai hoạt động trong khuôn khổ dự án. Trên cơ sở kết quả đạt được sẽ nhân rộng mô hình triển khai đến các KCN còn lại trên địa bàn tỉnh.
Đại diện JICA cho biết, trong dự án thí điểm tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, JICA yêu cầu các công ty hợp tác trong việc hiển thị dữ liệu. JICA sẽ cung cấp lắp đặt đồng hồ thông minh cần thiết, tư vấn về quản lý tài nguyên toàn diện và hỗ trợ quan hệ công chúng để tham gia vào dự án.
Chia sẻ niềm vinh dự khi được chọn làm ứng viên triển khai mô hình KCN kiểu mẫu, ông Toshio Kazama, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 hy vọng rằng các nhà đầu tư thứ cấp sẽ cùng thực hiện các nội dung của dự án, nhất là trong việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất để đáp ứng tiêu chí về tăng trưởng xanh trong công nghiệp.
Tại hội thảo, các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã nghe đại diện Vụ Quản lý Kinh tế KCN và Bộ KH-ĐT thông tin về các mô hình mới trong đầu tư KCN, các chính sách ưu đãi đối với KCN, các tiêu chí xây dựng KCN sinh thái, các ngành lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Các chuyên gia của tổ chức JICA cũng đã thông tin nội dung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ JICA thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh vào định hướng KCN sinh thái tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA