.

Đồng bộ, hiện đại giao thông kết nối

Cập nhật: 18:26, 22/01/2024 (GMT+7)

Những năm qua, các tuyến giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại. 

QL56 tuyến tránh TP.Bà Rịa đưa vào sử dụng đã rút ngắn cung đường vận chuyển hàng hóa từ các KCN và hệ thống cảng biển  ra QL51 đi các khu vực khác.
QL56 tuyến tránh TP.Bà Rịa đưa vào sử dụng đã rút ngắn cung đường vận chuyển hàng hóa từ các KCN và hệ thống cảng biển ra QL51 đi các khu vực khác.

Tạo sức bật từ giao thông kết nối

5 năm trở lại đây, nhiều tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo sức bật cho cảng biển và kinh tế của tỉnh. Đơn cử như đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV). Đây là tuyến đường khai thác hệ thống cảng biển và các KCN dọc sông CM-TV, giảm tải cho quốc lộ 51 tạo nên trục đường liên thông nối hệ thống cảng biển nhóm 4.

Ngoài ra, còn có đường Phước Hòa - Cái Mép, kết nối nội vùng phục vụ hành lang kinh tế Phú Mỹ - Cái Mép - Long Sơn - Vũng Tàu, kết nối QL51 với đường liên cảng; đường 991B nối QL 51 từ nút giao Hội Bài - Tóc Tiên với đường liên cảng CM-TV phục vụ vận chuyển hàng hóa cho các cảng biển ở khu vực CM-TV, trung tâm dịch vụ logistics, các KCN và nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh những tuyến đường trên, QL56 tuyến tránh TP.Bà Rịa được đưa vào sử dụng đã giúp rút ngắn cung đường vận chuyển hàng hóa từ các KCN và hệ thống cảng biển ra QL51 đi các khu vực khác. Hệ thống giao thông kết nối cảng biển đã phục vụ tốt nhu cầu cho 50 cảng đã đi vào hoạt động, với công suất 180 triệu tấn hàng hóa/năm.

Hiện nhiều tuyến đã được khởi công trong năm 2023 như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường ĐT994 và dự án cầu Phước An. Đây là những tuyến đường sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo nên những hành lang kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là khai thác hiệu quả cụm cảng CM-TV. Ngoài ra, các vùng đất dự án đi qua cũng sẽ có cơ hội phát triển, hình thành chuỗi đô thị, dịch vụ công nghiệp dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 4.

Ngoài đường bộ, hệ thống đường biển, thủy nội địa cũng phát triển khá hoàn thiện. Toàn tỉnh có 57 cảng, bến, vùng nước thủy nội địa được cấp phép hoạt động, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hoạt động và an toàn giao thông. Hệ thống cảng thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là các đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa các cảng biển, các KCN với ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách nội tỉnh, liên tỉnh. Về hàng không có cảng hàng không Côn Đảo và hiện đang quy hoạch thêm sân bay Gò Găng (TP.Vũng Tàu).

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được thi công khẩn trương.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được thi công khẩn trương.

Hướng tới 5 phương thức kết nối vận tải

Tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra đầu tháng 1/2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có thể nói hạ tầng giao thông của Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vào hiện đại nhất nước. Tỉnh đã phát triển đa dạng về hạ tầng giao thông như đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không và đã quy hoạch thêm đường sắt. Tuy nhiên, đối với một địa phương phát triển nhanh và thực lực như Bà Rịa-Vũng Tàu, việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cần phải được chú trọng hơn nữa.

Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đang xúc tiến triển khai dự án kết nối khác như đường Vành đai 4, dự án đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu. Riêng đối với dự án đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến là 199km, trong đó đoạn đi qua tỉnh  dài 18,17km. Theo quy hoạch dự kiến, đường vành đai 4 có 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao 5 địa phương là cơ quan thẩm quyền triển khai theo hình thức công tư. Đối với địa phương, tỉnh đề xuất với Trung ương xem xét cho phép được áp dụng chính sách đặc thù về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, trong đó tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong giai đoạn từ nay đến 2025 để huy động nguồn lực, phấn đấu khởi công trước năm 2030. Trong đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 128km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.

Dự kiến đến 2025, sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1, cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 5 phương thức vận tải, bao gồm đường biển, đường thủy, đường bộ, đường không và đường sắt, trở thành địa phương có hệ thống vận tải đa phương thức là lợi thế ít tỉnh nào trong cả nước có được.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.