Bà Rịa- Vũng Tàu hướng đến mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phân vùng chức năng, trục động lực phát triển, quy hoạch còn hướng đến mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.
Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có thêm 4 đô thị nâng số đô thị lên 14 đô thị. Trong ảnh: Đô thị Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc nhìn từ trên cao. |
3 trục động lực-4 vùng chức năng
Tại hội nghị phổ biến Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) diễn ra chiều 30/1 do UBND tổ chức, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) thông tin, quy hoạch mới đã bố trí không gian phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay cơ bản bảo đảm phân vùng phát triển hợp lý, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng lãnh thổ, vừa giảm thiểu tác động xung đột giữa các ngành kinh tế trụ cột công nghiệp, cảng biển và du lịch, nông nghiệp, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.
Tỉnh sẽ phát triển theo mô hình “3 trục động lực-4 vùng chức năng”. Đây vừa là điểm kế thừa, nâng tầm của quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Theo đó, 3 trục động lực kinh tế, gồm: Trục kinh tế động lực công nghiệp-cảng biển Cái Mép-Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51; trục kinh tế động lực công nghiệp-logistics dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
4 vùng chức năng, gồm: Vùng chức năng công nghiệp-cảng biển nằm ở phía Tây-Tây Nam và Tây Bắc của tỉnh, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa, khu vực phía Tây của huyện Châu Đức và phía Tây-Tây Nam của TP.Vũng Tàu. Vùng chức năng du lịch và đô thị biển nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, từ dọc QL55 và phía Đông Nam QL51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 thuộc địa giới hành chính: TP.Vũng Tàu, các huyện: Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh; thuộc lãnh thổ hành chính các huyện Đất Đỏ (phía Bắc QL55), huyện Xuyên Mộc (phía Bắc QL55), Châu Đức (phần phía Đông QL56).
Vùng biển và hải đảo bao gồm vùng không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo, là vùng tập trung phát triển kinh tế biển: du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển, đảo; nghiên cứu khoa học về biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ hỗ trợ ngành dầu khí…; hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển. Phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.
Để tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch, tại hội nghị UBND tỉnh đã yêu cầu 4 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu tài liệu quy hoạch, kết hợp với báo cáo, trao đổi của các chuyên gia để thống nhất nhận thức về những nội dung của quy hoạch tỉnh, đặc biệt là những điểm mới của quy hoạch tỉnh về mục tiêu phát triển, bố trí không gian phát triển, định hướng phát triển các ngành quan trọng; phân bố các vùng chức năng, phát triển các trục kinh tế động lực; phát triển hệ thống đô thị và khu vực nông thôn… |
Phát triển cân bằng và bền vững
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh vừa có nhiệm vụ cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường… trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, đây là quy hoạch tích hợp toàn bộ các nội dung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn tỉnh; là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ với các hành lang kinh tế của quốc gia, hành lang kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do vậy việc tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bài, ảnh: QUANG VŨ