Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Hội nghị đối thoại được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, nông dân tham dự tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023. Ảnh: VGP |
2.000 câu hỏi được gửi đến Thủ tướng
Tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, qua 4 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; chính sách an sinh xã hội, quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, nông dân tham dự tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH |
Qua triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, trong đó có khoảng 20 ý kiến, vấn đề sẽ được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng. Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề: Mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp; các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn; giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống…
Phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại
Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đại biểu chia sẻ những băn khoăn, trăn trở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn kể từ sau Đại hội XIII của Đảng; chia sẻ thông tin, động viên, tạo khí thế, động lực mới, tạo động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Hội nông dân vừa được tổ chức thành công và các nghị quyết của các cấp ủy Đảng.
Nông dân Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Tại hội nghị đối thoại, các ý kiến kiến nghị của nông dân trong toàn quốc đưa ra thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ liên quan nhiều nhóm vấn đề nóng như: pháp lý, chuyển đổi xanh, công ăn việc làm; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế HTX; chuyển đổi số trong nông nghiệp; chính sách giảm phát thải trong nông nghiệp; chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, chính sách đào tạo việc làm, nhân lực trong nông nghiệp; thông tin về thị trường và vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản… Các ý kiến, kiến nghị này đã được các Bộ, ngành giải đáp thỏa đáng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán trong các chính sách nông nghiệp - nông dân - nông thôn và Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách về lĩnh vực này. Nông nghiệp là một trong ba trụ cột của kinh tế đất nước. Năm 2023, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ, tiền đề cho sự phát triển đất nước. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83% trong 2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: VÂN ANH |
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam tập trung nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, tự cường, thực hiện khát vọng làm giàu góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc. Làm mới những động lực cũ và bổ sung thêm các động lực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Cán bộ, hội viên, nông dân cả nước ra sức phấn đấu hăng hái thi đua trong lao động, sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.
Nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ và không để ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, hiệu quả cao và bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới…
ĐÔNG HIẾU