Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nông thôn

Thứ Sáu, 08/12/2023, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hội thảo truyền thông bảo vệ môi trường ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng sản phẩm OCOP tỉnh năm 2023 do Sở NN-PTNT tổ chức sáng 8/12 đã ghi nhận nhiều ý kiến, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bên lề hội thảo.
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bên lề hội thảo.

Nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường 

Theo đại diện Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có 3.407 hộ, cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý chế biến nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn… Dù công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng được các địa phương quan tâm nhưng thực tế cho thấy, nguy cơ ô nhiễm môi trường trong các làng nghề nông thôn vẫn còn tiềm ẩn.

Các đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường như: xả nước thải, khí thải, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, trong các làng nghề, nghề truyền thống, hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận dân cư vẫn chưa được cải thiện. Công tác quản lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi phương tiện thu gom, hạ tầng thu gom chưa hoàn chỉnh. Trong khi đó, các ngành nghề nông thôn có phát thải có khả năng ảnh hưởng đến môi trường như: chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, giết mổ gia súc gia cầm vẫn còn tình trạng phát tán mùi hôi, nước thải chưa qua xử lý.

Đối với thủ công mỹ nghệ, nguy cơ ô nhiễm môi trường xuất phát từ các yếu tố như mùi hôi từ quá trình phân hủy chất hữu cơ từ vỏ và xương ốc, nước thải từ hoạt động ngâm và làm sạch, bụi, tiếng ồn phát sinh trong quá trình mài, tạo hình sản phẩm, chất thải rắn dư thừa từ nguyên liệu đầu vào.

Di dời vào cụm công nghiệp tập trung

Trước thực trạng trên, tại hội thảo, các địa phương đã nêu ý kiến, giải pháp xử lý nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Ông Trần Cao Điền, đại diện Phòng TN-MT TP.Bà Rịa cho biết, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Đối với các ngành nghề nông thôn có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, UBND thành phố đang tiến hành di dời vào cụm công nghiệp (CCN) Hòa Long và CCN chế biến thực phẩm Long Phước. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, thành phố tiếp tục kiểm tra việc thực hiện cam kết tổ chức vận động giảm đàn, xử lý nghiêm các trường hợp không xây dựng hầm biogas khi đã được lập danh sách hỗ trợ, thường xuyên kiểm tra và xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm cam kết, từng bước chuyển đổi ngành nghề cho các nông hộ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hạnh, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu cho biết, với những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như nghề thủ công mỹ nghệ, thành phố đã yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết, nếu vi phạm không khắc phục thì phải di dời hoặc tạm ngưng hoạt động. Theo thống kê, thành phố có khoảng 750 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo các nhóm ngành nghề Nghị quyết 41 về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh  giai đoạn 2018-2025 quy định.

"Thành phố đã quy hoạch CCN Phước Thắng để di dời các cơ sở này vào. Tuy nhiên, tổng nhu cầu diện tích để di dời các cơ sở này lớn hơn diện tích CCN Phước Thắng được duyệt theo quy hoạch. Đề nghị Sở NN-PTNT có kiến nghị UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn cho thành phố”, ông Hạnh nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới cho biết, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, nhiều ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống được khôi phục và ngày càng phát triển bền vững. Qua đó góp phần xây dựng, hình thành nhiều sản phẩm trong chương trình OCOP, nâng cao thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

“Để công tác bảo vệ môi trường nông thôn, môi trường làng nghề tốt hơn, các địa phương cũng coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần huy động sự tham gia của nhiều thành phần liên quan vào công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng”, ông Đăng lưu ý.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;
.