Giải pháp hữu ích nâng giá trị thủy sản
Nhiều giải pháp công nghệ, dự án hay trong các cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành thủy sản đã và đang chuyển giao cho ngư dân, DN, cảng cá đã góp phần nâng giá trị cho sản phẩm thủy sản của tỉnh.
2 học sinh Lê Thành Đạt và Phạm Bùi Thanh Sang, Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) nghiên cứu chế tạo Thiết bị giám sát, điều khiển và cảnh báo nồng độ các khí độc trong hầm cá, đạt giải Nhất cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm 2023. |
Những giải pháp công nghệ hữu ích
Trước thực trạng nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, nghề cá ngày một bấp bênh, nhóm tác giả Lương Công Nhật Hùng, Công ty CP JW Kim đã nghiên cứu phát triển dự án áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm Asia Seafood vào quản lý DN thủy sản để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động.
Phần mềm giúp DN, cơ quan quản lý nhà nước, cảng cá quản lý được lượng thủy hải sản nhập vào - xuất đi, hàng tồn trong kho, quá trình bán hàng, danh sách khách hàng - phát triển thêm khách hàng, maketing - sales, truy xuất nguồn gốc hải sản, lịch sử làm việc của nhân viên, kế toán…Từ đó giúp quản lý tốt DN, giảm nhân sự mà lại tăng năng suất lao động, truy xuất được nguồn gốc hải sản rõ ràng, góp phần vào công tác gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Với sự hữu ích của phần mềm, Công ty JW Kim đã chuyển giao công nghệ cho hơn 80 DN trên cả nước và đạt giải Ba trong cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023.
Tương tự, để hỗ trợ các cảng cá trong công tác truy xuất thủy hải sản phục vụ xuất khẩu qua thị trường EU theo quy định IUU, nhóm tác giả Nguyễn Như Sơn của Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam đã nghiên cứu phát triển mô hình cơ giới hóa công tác xếp dỡ thủy hải sản tại cảng cá. Nhóm đã nghiên cứu chế tạo, thiết kế hệ thống xếp dỡ và đưa vào vận hành tại cảng cá Bình Đại (Bến Tre), cảng cá Lộc An, Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hệ thống xếp dỡ hải sản ở cảng cá của Phân viện nghiên cứu hải sán phía Nam đạt giải Nhì trong cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm 2023. |
Kết quả bước đầu cho thấy, hệ thống xếp dỡ hàng tại cảng có tổng chiều dài 10,5m và hoạt động ổn định, linh hoạt trong quá trình sản xuất tại cảng với năng suất vận chuyển đạt 15,8 tấn/giờ. Mô hình ứng dụng hệ thống xếp dỡ tại cảng đã cơ giới hóa được khâu vận chuyển từ boong tàu lên cảng, giảm được 6 lao động tham gia bốc dỡ, tương ứng giảm được khoảng 26,2 triệu đồng/tháng. Ước tính khoảng 14 tháng đưa hệ thống xếp dỡ vào sản xuất sẽ hoàn được vốn đầu tư ban đầu (300 triệu đồng/hệ thống). “Hệ thống cũng có cân điện tử cân được sản lượng thủy hải sản từ tàu cá về bến và lượng hàng xuất đi phục vụ công tác xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc theo quy định IUU của EC”, ThS. Nguyễn Như Sơn cho biết.
Lan tỏa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Theo Sở KH-CN, các cuộc thi đổi mới sáng tạo không chỉ thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật, công nghệ mà còn góp phần lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt trong năm 2023, cuộc thi đã tôn vinh nhiều ý tưởng, giải pháp hay, thiết thực từ ngành giáo dục, trong học sinh - sinh viên. Có thể kể đến như dự án “Thiết bị giám sát, điều khiển và cảnh báo nồng độ các khí độc trong hầm cá tàu, ghe” của 2 học sinh lớp 11 Trưởng THPT Trần Văn Quan đạt giải Nhất cuộc thi; dự án “Thiết kế và chế tạo Pin nhiên liệu đa ứng dụng phục vụ khai thác thủy sản” của nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đạt giải 3 cuộc thi hoặc dự án “Workshop làm thủ công tái chế từ vỏ sò kết hợp coffee shop phong cách” của học sinh lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu đạt giải Khuyến khích.
Cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành thủy sản được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2020, do Sở KH-CN phối hợp với Sở NN-PTNT và Cục Thủy sản tổ chức. Đã có hàng trăm giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng với các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản giúp nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản của DN, đặc biệt góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cho tương lai. Hàng năm, sản lượng hải sản khai thác của tỉnh đạt khoảng 360 ngàn tấn cùng với nuôi trồng thủy sản hơn 20.000 tấn, xuất khẩu khoảng 260 triệu USD/năm. |
Ngoài ra, cuộc thi năm nay có nhiều giải pháp ở đa dạng lĩnh vực, từ các giải pháp trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản đến các giải pháp về bảo vệ môi trường, tái sử dụng các sản phẩm từ biển cho du lịch, các dự án về bảo đảm an toàn cho người lao động, hay gia tăng giải pháp chế biến, truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị cho sản phẩm thủy sản.
“Các giải pháp đều có tính đổi mới sáng tạo, khả năng thương mại hóa, tính khả thi cao và tác động xã hội tốt. Sở KH-CN sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tổ chức, DN đồng hành, hỗ trợ các dự án trong các chặng đường tiếp theo, thúc đẩy ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra các tác động thay đổi cho ngành thủy sản tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung”, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN cho biết.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH