.

Vì sao hóa đơn tiền điện tăng đột biến?

Cập nhật: 19:02, 06/12/2023 (GMT+7)

Phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều người dân thắc mắc về việc hóa đơn tiền điện tháng 11 tăng cao đột biến. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu về vấn đề này.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, tiền điện tăng đột biết do “cộng hưởng” của việc thay đổi ngày ghi chỉ số (GCS) điện về cuối tháng, kể từ tháng 11 và việc áp dụng giá điện mới từ ngày 9/11/2023. Tuy nhiên, khách hàng không thiệt hại hay phải trả tiền điện nhiều hơn mức sử dụng.

Phóng viên: Như vậy, hóa đơn tháng 11 là số tiền khách hàng phải trả cho lượng điện sử dụng trong tháng và một phần tháng 10, thưa ông?

- Ông Trần Thanh Hải: Đúng vậy. Từ tháng 11/2023, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đã thay đổi ngày GCS điện về cuối tháng. Do đó, khách hàng không chi trả tiền điện đã sử dụng từ ngày GCS cũ đến ngày cuối tháng 10, mà số tiền này sẽ được cộng dồn vào hóa đơn trọn tháng 11. Hóa đơn tiền điện tháng 11 không phải chỉ cho lượng điện khách hàng sử dụng trong tháng mà còn cộng thêm từ ngày GCS điện cũ của tháng 10 về cuối tháng.

Do số ngày tăng lên, lượng điện sử dụng cũng tăng lên. Khi đó, việc tính tiền điện được tách làm 2 phần.

Phần 1 là số tiền điện của tháng 11 mà khách hàng đã sử dụng, được tính theo đúng định mức bậc thang giá điện theo quy định, trong đó, có việc giá điện tăng từ ngày 9/11 theo quyết định của Bộ Công thương mà ngành điện đã công bố rộng rãi đến khách hàng.

Phần 2 là tiền điện những ngày khách hàng sử dụng nhưng chưa thanh toán của tháng 10. Số tiền điện này được tính theo bậc thang tùy vào số ngày sử dụng (từ ngày GCS điện cũ của tháng 10 về cuối tháng). Như vậy, khách hàng không chịu thiệt hại nào khi cộng 2 phần tiền điện của hóa đơn phát hành trong tháng 11/2023.

Việc thay ngày ghi chỉ số điện về cuối tháng giúp ngành điện thu thập chính xác dữ liệu tiêu thụ từng khu vực để bảo đảm kế hoạch cung cấp điện.
Việc thay ngày ghi chỉ số điện về cuối tháng giúp ngành điện thu thập chính xác dữ liệu tiêu thụ từng khu vực để bảo đảm kế hoạch cung cấp điện.

Tại sao ngành điện không tách 2 phần thành 2 hóa đơn khác nhau, thưa ông?

- Căn cứ Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ và hướng dẫn tại Văn bản số 18/ĐTĐL-GP ngày 07/01/2022 của Cục Điều tiết Điện lực, với khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt, ghi điện 2 lần/tháng và tách 2 hóa đơn là không phù hợp (vì như vậy, trong năm tài chính 12 tháng sẽ có đến 13 hóa đơn).

Dù không thể tách thành 2 hóa đơn, nhưng để khách hàng an tâm, trong hóa đơn tiền điện phát hành tháng 11 sẽ phân tích rõ về cách tính tiền điện. Chúng tôi cũng đề nghị, khi có thắc mắc trong các dịch vụ về điện hoặc hóa đơn tiền điện, khách hàng có thể phản ánh đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam qua số điện thoại 19001006-19009000 hoặc đến Phòng Chăm sóc khách hàng của điện lực địa phương để được hỗ trợ, giải đáp.

Từ tháng 12, việc tính tiền điện sẽ trở lại bình thường, thưa ông?

- Trong tháng 12 và các tháng về sau, việc GCS điện sẽ được thực hiện vào ngày cuối cùng của tháng. Hóa đơn tiền điện sẽ ổn định trở lại bình thường.

Việc thay đổi ngày GCS điện về cuối tháng nhằm giúp khách hàng dễ nhớ ngày ghi điện, qua đó giám sát quá trình sử dụng điện và chủ động kế hoạch thanh toán tiền điện hàng tháng. Cùng với đó, khách hàng và ngành điện cũng thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng, thể hiện đầy đủ doanh thu phù hợp với chi phí phát sinh trong năm tài chính đúng quy định. Công ty điện lực bảo đảm quyền lợi của khách hàng không bị thiệt hại.

Việc GCS điện đồng loạt về cuối tháng cũng giúp ngành điện có đầy đủ, chính xác dữ liệu tiêu thụ điện của từng khu vực, từ đó dự đoán chính các nhu cầu để bảo đảm kế hoạch cung cấp điện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

QUANG VINH

(Thực hiện)

 
.
.
.