Tháng 10/2023, tỉnh thu hút thêm gần 600 triệu USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI; lũy kế từ đầu năm đến nay đã có hơn 750 triệu USD đầu tư vào Bà Rịa- Vũng Tàu, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án này không chỉ đóng góp vào nguồn thu của tỉnh, mà còn góp phần chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến cho nhiều DN địa phương.
Tập đoàn Hyosung tiếp tục lựa chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương để đầu tư các dự án lớn. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất Nhà máy sản xuất hóa chất của Hyosung tại TX. Phú Mỹ. |
Thêm một dự án lớn, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam
Vừa qua, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sợi carbon tại KCN Phú Mỹ 2, TX. Phú Mỹ với tổng vốn huy động dự kiến 540 triệu USD, riêng giai đoạn 1 khoảng 120 triệu USD. Ông Kim Kyung Hoan, Tổng Giám đốc Hyosung cho biết, nhà máy sản xuất sợi và vật liệu Carbon là dự án mới, lần đầu tiên có tại Việt Nam, với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 4.800tấn/năm. Dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động khoảng tháng 2/2025.
Tổ hợp hóa dầu miền Nam, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, dự án có vốn FDI lớn nhất của tỉnh chuẩn bị vận hành thương mại, qua đó đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh. |
“Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện DN đang thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án như: xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ... để khởi công dự án và mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để dự án sớm được khởi công theo đúng tiến độ, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”, Tổng Giám đốc Hyosung Việt Nam nói.
Nhà máy sợi carbon của Hyosung là một trong số các dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023. Trong đó, riêng tháng 10, đã có 5 dự án với tổng vốn đăng ký 594 triệu USD. Như vậy, lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh thu hút được 20 dự án vốn FDI (tăng 5 dự án), với tổng vốn đăng ký hơn 750 triệu USD (tăng gấp 2,78 lần) so với năm 2022. Đáng chú ý, dù bối cảnh biến động chung của kinh tế thế giới, nhiều DN gặp khó khăn nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn khẳng định là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.
Thu hút và tận dụng giá trị của dự án FDI
Nguồn vốn FDI đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Có được thành quả này vừa thể hiện sức hút của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với DN nước ngoài, cùng với đó là việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, với các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có yếu tố chuyển giao công nghệ. |
Đó là tỉnh đã tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị. Ngoài việc duy trì các chỉ số, phần việc đã làm tốt, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi cho DN; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa các chỉ số như PCI, PAPI, PAR-index PCI ngày càng tốt hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng DN với phương châm thành công của DN là thành công của chính quyền tỉnh nhà”.
Tỉnh cũng chuẩn bị sẵn điều kiện đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao…để “đón” nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được mình chứng bởi các KCN đã sẵn sàng đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu sở, ngành, địa phương liên quan đánh giá lại dư địa trong các khu, cụm công nghiệp, đất thương phẩm để thu hút nhà đầu tư mới cả trong và ngoài nước; hệ thống lại nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư tại tỉnh để kịp thời hỗ trợ.
Ngoài tạo điều kiện về cơ chế, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối vùng. Hàng loạt dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển 994, cầu Phước An… đang được rốt ráo thi công và đang dần hình thành.
Với việc vốn đầu tư FDI vào tỉnh trong năm 2023 tăng mạnh. Đến nay, bà Rịa-Vũng có 457 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31,433 tỷ USD (trong khu công nghiệp là 284 dự án với tổng vốn đầu tư 13,738 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17,695 tỷ USD). |
Vừa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn FDI mang lại hiệu quả cao nhất. Các dự án này phải vừa đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh, vừa tạo được việc làm ổn định cho lao động địa phương và thân thiện với môi trường.
Theo Sở Công thương, tỉnh luôn tổ chức thẩm định chặt chẽ các dự án theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Điều này góp phần ngăn chặn máy móc lạc hậu, vừa bảo đảm dự án vào tình phải sử dụng công nghệ hiện đại, không gây các tác động về xã hội, môi trường. Bên cạnh việc thu hút vốn, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ưu tiên cho các dự án có nội dung chuyển giao công nghệ cho các DN địa phương. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã cấp 7 Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ theo hình thức dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh, với tổng giá trị hợp đồng đăng ký gần 2.200 tỷ đồng, với đối tượng chuyển giao là kỹ thuật, bí quyết công nghệ, phương án, quy trình công nghệ, giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu…
Bài, ảnh: QUANG VINH