.

Làm công nghiệp xanh từ A đến Z

Cập nhật: 19:24, 15/11/2023 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường không còn là mục tiêu mà trở thành yêu cầu bắt buộc với DN. Không những vậy, nhiều DN Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho việc “xanh hóa” các ngành công nghiệp khác.

Các doanh nghiệp may mặc Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực xây dựng các nhà máy xanh để tạo lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp may mặc Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực xây dựng các nhà máy xanh để tạo lợi thế cạnh tranh.

Quy trình “xanh” tạo lợi thế cạnh tranh

Cuối tháng 10, tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ diễn ra sự kiện trao chứng nhận tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018 về kiểm kê khí nhà kính cho sản phẩm Tôn Hoa Sen. Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen đã hoàn thành việc truy vết carbon trên gần 20 dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen theo tiêu chuẩn ISO 14067:2018, bước đầu đáp ứng một số yêu cầu cho việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có hiệu lực từ tháng 10/2023. Việc đạt chứng nhận này cho thấy dấu ấn rõ nét trong lộ trình cam kết kiểm soát giảm thải khí nhà kính tiến tới trung hòa carbon của Tập đoàn Hoa Sen.

Theo ông Nguyễn Minh Phúc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Tập đoàn Hoa Sen, việc thực hiện thu thập các dữ liệu và định lượng phát thải khí nhà kính có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm của DN với môi trường. “Bằng việc tuân thủ các quy định về phát triển bền vững, Tập đoàn Hoa Sen sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch quản lý theo dõi, báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ. Đây là thành công bước đầu trong việc chủ động cập nhật và thực hiện các giải pháp để đáp ứng theo các yêu cầu mới, nhờ đó, rộng đường xuất khẩu các sản phẩm Tôn Hoa Sen sang thị trường Châu Âu trong tương lai”, ông Phúc nói.

Còn trong lĩnh vực dệt may, các DN cũng nỗ lực tạo ra các “nhà máy xanh” để có lợi thế cạnh tranh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH May quốc tế Việt An, TX.Phú Mỹ cho biết, các thị trường của sản phẩm may mặc Việt Nam, ngoài quan tâm chất lượng sản phẩm, đối tác còn quan tâm nhiều đến nguồn gốc nguyên liệu và quy trình sản xuất. Do đó, vừa để đáp ứng yêu cầu của đối tác và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, DN đã đầu tư nhiều tỷ đồng nâng cấp máy móc hiện đại, ít phát thải; đồng thời, đầu tư làm điện mặt trời. Ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi cũng xây dựng quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải bảo vệ môi trường để đạt đầy đủ các tiêu chuẩn khi xuất khẩu và cũng được khách hàng đánh giá cao”.

Sản phẩm giúp “xanh hóa” môi trường

Không chỉ xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nhiều DN Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và bước vào chuỗi cung ứng các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp “xanh”.

Vừa qua, Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) thực hiện dự án chế tạo thiết bị thu hồi khí CO2 trên tàu nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FPSO. Cụm thiết bị có trị giá khoảng 500 ngàn USD, thuộc dự án đóng tàu AGOGO do liên doanh AZULE (Na Uy) làm chủ đầu tư, với chức năng thu hồi chuyển hóa lượng khí CO2 trên tàu FPSO để giảm phát thải ra môi trường. Việc triển khai dự án góp phần giúp DN tiếp cận được lĩnh vực thiết kế, chế tạo mới, cho ra sản phẩm mới, tăng doanh thu và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Alpha ECC cho biết, giá trị của thiết bị không phải quá lớn so với những dự án đang thực hiện, nhưng lại là một bước ngoặt trong định hướng sản xuất, kinh doanh của DN. “Chúng tôi bước vào một lĩnh vực mới, là nhóm thiết bị thuộc yêu cầu cấp bách và giàu tiềm năng phát triển trong tương lai là thu hồi khí CO2 để giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường sống của con người”, ông Đảo nhận định.

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, phát triển công nghiệp xanh gắn với mô hình phát triển bền vững là định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Bà Rịa-Vũng Tàu nhận thức rất sớm vấn đề sản xuất sạch, xanh, thân thiện với môi trường thông qua định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, không chấp nhận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây hại đến môi trường; đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ DN xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, Tổng Công ty Viglacera mới đây cũng đã khánh thành nhà máy đá nung kết với dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất thế giới- Continua của Sacmi (Italia). Nhà máy này sản xuất ra loại đá thân thiện môi trường, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm đá tự nhiên và đá nhân tạo khác. Đặc biệt, sản phẩm này giúp hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Duy Trúc, Giám đốc Nhà máy Viglacera Eurotile (TX.Phú Mỹ) cho biết, dòng sản phẩm mới này đưa ra thị trường khẳng định được năng lực của Viglacera trong tiên phong về lĩnh vực vật liệu… “Chúng tôi hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm Việt Nam sản xuất nhưng theo tiêu chuẩn châu Âu, tạo uy tín với khách hàng không chỉ trong mà còn ngoài nước”, ông Trúc cho hay.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.