Lo ngại hàng hóa tăng theo giá điện
Giá điện vừa được điều chỉnh tăng 4,5% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành. Nhiều người lo ngại việc tăng giá điện trong giai đoạn cao điểm cuối năm sẽ tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
Giá điện tăng có thể khiến chi phí sản xuất, giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu. (Ảnh minh họa). |
Ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo tăng giá điện bình quân thêm 4,5%, tương đương 86,4 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là lần thứ hai giá điện tăng trong năm nay, sau lần tăng đầu tháng 5 với mức tăng 3%.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, giá điện tăng, DN sản xuất, nhất là trong các ngành tiêu tốn nhiều điện năng như cơ khí, hải sản… sẽ phải “đau đầu” hơn trong tính toán, cân đong đo đếm các khoản chi phí. Với các đơn hàng cũ đã thỏa thuận xong giá cả thì chấp nhận chi phí đội lên, giảm lợi nhuận, nhưng đơn hàng mới cũng không dám tăng giá bởi áp lực cạnh tranh rất lớn.
“Chúng tôi sản xuất xuất khẩu thủy hải sản ra nước ngoài, các hợp đồng đều ký dài hạn. Giá điện tăng, nếu DN tăng giá bán sẽ dễ mất khách hàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn đang khó khăn. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi chấp nhận lợi nhuận tiếp tục bị thu hẹp. DN nghiệp mong ngành điện sẽ có phương án và lộ trình lâu dài để DN chủ động”, ông Dũng nói.
Thông tin giá điện tăng không chỉ khiến DN sản xuất, kinh doanh lo lắng mà người tiêu dùng cũng lo ngại hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên.
Chị Nguyễn Thị Thu Nhàn, công nhân may ở TP.Vũng Tàu cho rằng: “Giá điện tăng sẽ kéo theo các hàng hóa nhu yếu phẩm, giá phòng trọ tăng theo, trong khi lương thì đứng im hoặc có tăng thì cũng không bao nhiêu. Chúng tôi lại phải thắt lưng buộc bụng và mọi nhu cầu tối thiểu nhất cũng phải chi tiêu hạn chế”.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, giá điện tăng dự báo giá cả một số mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng nhẹ bởi rơi vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng. Ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí sản xuất khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo giá thành, giá bán ảnh hưởng theo. Ngoài ra, các ngành tiêu thụ điện cao sẽ bị áp lực lớn.
“Cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường cần phải kiểm soát tốt giá cả nhằm tránh tình trạng tăng giá theo giá điện. Nếu không kiểm soát chặt, có thể diễn ra tình trạng lợi dụng điện tăng để tăng giá hàng hóa, dẫn tới giá chồng giá, tăng chồng tăng”, TS. Nguyễn Quốc Việt cho hay.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU