Nuôi, trồng đặc sản cho thu nhập ổn định
Tận dụng lợi thế về đất đai, điều kiện môi trường, nông dân huyện Xuyên Mộc đã có thu nhập ổn định từ mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng “cây đặc sản - con đặc sản”.
Bà Lưu Thị Kéo, ở ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp chăm sóc đàn gà. |
Nuôi con đặc sản
Trên khu vườn 2ha trồng cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, nhãn, gia đình bà Lưu Thị Kéo (ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) kết hợp nuôi thả gà trống thiến dưới tán cây. Hiện nay, bà Kéo đang nuôi hơn 120 con gà chờ bán dịp Tết.
Theo bà Kéo, từ khi trứng gà được ấp nở, sau khoảng 5 tháng nuôi thì chọn những con gà trống khỏe mạnh để thiến, nuôi vỗ béo thêm từ 5-6 tháng nữa, gà đạt trọng lượng hơn 4kg/con thì có thể bán thịt. Gà chủ yếu ăn bắp hạt nên thịt dai giòn, thơm ngon, tiêu thụ mạnh. Đặc biệt, gà trống thiến rất được ưa chuộng tại các nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, khách đặt mua với giá 250 ngàn đồng/kg.
Để nâng cao hiệu quả mô hình nuôi gà ta kết hợp với gà trống thiến thả vườn, 20 hộ nông dân nuôi gà trống thiến trên địa bàn xã đã liên kết thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi gà trống thiến, với tổng đàn khoảng 2.000 con.
Bà Tạ Thị Thanh, Chi hội trưởng nghề nghiệp nuôi gà trống thiến xã Hòa Hiệp cho biết, gà trống thiến có ngoại hình đẹp, màu sắc rực rỡ, thương lái và nhà hàng đặt mua liên tục, giá bán cao gấp đôi giá gà truyền thống, giúp người chăn nuôi thu lãi cao.
Cũng với con đặc sản, ông Nguyễn Thanh Tân (ấp 7, xã Hòa Bình) đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ. Theo ông, thời gian nuôi từ khi chim trĩ mới nở đến khi xuất bán từ 6-7 tháng. Giá bán hiện nay hơn 200 ngàn đồng/kg chim thương phẩm. Hiện nay, gia đình ông Tân đang có hơn 200 con chim trĩ nuôi bán thịt thương phẩm và hơn 20 con giống. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng ông thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
“Chim trĩ ít bị dịch bệnh, ăn ít. Mỗi ngày đàn chim ăn 2 lần, thức ăn gồm thóc, rau cỏ và chuối băm. Thịt chim trĩ ngon, dai nên được nhiều thực khách, nhà hàng ưa chuộng. Do tiền thức ăn ít nên nuôi bán chim trĩ có tiền lời cao”, ông Tân cho biết thêm.
Trên địa bàn huyện đã thành lập 124 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.442 thành viên. Trong đó, nhiều chi, tổ hội sản xuất theo hướng cây - con đặc sản như: Mô hình nuôi nai lấy nhung, nuôi ong dú tại xã Bình Châu; nuôi lươn kết hợp với trồng dừa xiêm lùn tại xã Hòa Hội; nuôi heo rừng lai tại xã Bưng Riềng; mô hình trồng nhãn bắp cải, nhãn xuồng cho quả trái vụ tại xã Bông Trang; trồng vú sữa hoàng kim, ổi ru bi tại xã Xuyên Mộc… tạo thành vùng nông nghiệp đa dạng sản phẩm.
(Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc)
|
Với vườn nhãn cho trái chín sớm, anh Trần Hữu Hoài Ân, ấp Trang Định, xã Bông Trang kiếm hơn 50 triệu đồng/vụ nhãn. |
Trồng cây đặc sản
Đến huyện Xuyên Mộc, nhiều du khách thích thú tham quan vườn cây thưởng thức nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải - những loại cây đặc sản của địa phương.
Xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc là vùng nắng nóng, đa phần đất pha cát nên cây nhãn trồng ở đây cho trái ngon hơn, ngọt và có độ đường cao. Với diện tích 3.000m2, nông dân Trần Hữu Hoài Ân (ấp Trang Định, xã Bông Trang) đang canh tác hơn 100 gốc nhãn xuồng. Anh đang dùng kỹ thuật chong đèn khoảng 50 gốc để nhãn ra trái sớm, bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là năm thứ 3 anh áp dụng kỹ thuật này.
“Tôi không phải mang nhãn ra chợ bán. Thương lái đến tận vườn để mua. Giá mỗi kg nhãn xuồng cơm vàng từ 40-60 ngàn đồng/kg (tùy vụ); nhãn bắp cải gần trăm ngàn đồng mỗi kg. Vườn nhãn gia đình tôi năm nay cho thu hoạch khoảng 3 tấn”, anh Ân cho biết.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong huyện đã hướng dẫn, vận động hội viên nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng “cây đặc sản - con đặc sản”.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - PHONG VŨ