Doanh nghiệp thủy sản mở lối đi riêng

Chủ Nhật, 26/11/2023, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Tìm lối đi riêng để vực dậy hoạt động xuất khẩu đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản nhằm phát triển bền vững.

Chế biến cá đục xuất khẩu ở Công ty Tứ Hải.
Chế biến cá đục xuất khẩu ở Công ty Tứ Hải.

Vượt khó với thị trường ngách

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính (tôm, cá tra, cá ngừ) đều sụt giảm ở các thị trường trọng điểm như: CPTPP, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Trong 2 quý đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này giảm khá sâu, từ 30-45%, riêng thị trường Mỹ giảm tới 51%.

Tuy nhiên, điểm tích cực là mức giảm tổng ngành thấp dần trong quý 3, còn âm 22% trong tháng 9 và âm 20% trong tháng 10. Quý 4 đã có sự bứt phá khi các DN bắt đầu tăng ca để chạy đơn hàng cuối năm và phục vụ mùa lễ, Tết, năm mới.

Xương cá đục sấy khô của Công ty Tứ Hải là một trong những sản phẩm độc đáo, được ưa chuộng  ở các nhà hàng Nhật Bản.
Xương cá đục sấy khô của Công ty Tứ Hải là một trong những sản phẩm độc đáo, được ưa chuộng ở các nhà hàng Nhật Bản.

Nhiều DN đã tìm sự đột phá ở thị trường ngách hoặc sản phẩm đặc thù. Ông Đào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu Tứ Hải (phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết, nếu các công ty khác xuất khẩu đa dạng các mặt hàng thủy sản thì Tứ Hải chỉ chuyên xuất khẩu cá đục (tươi, khô, chế biến). Các sản phẩm từ cá đục của công ty là sản phẩm đặc thù nên chiếm thị phần khá ổn định ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Sản phẩm xương cá đục sấy khô đã trở thành sản phẩm độc đáo được yêu thích trong các nhà hàng, khu du lịch ở Nhật, chiếm thị phần hơn 90% ở thị trường này. 

Nhờ đó, năm 2023 trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn do kinh tế suy giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, Công ty Tứ Hải vẫn trụ vững với doanh thu xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt gần 18 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Công ty cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngách như Singapore, Úc và tìm kiếm thêm các thị trường khác ở châu Á, Trung Đông.

Theo Sở Công Thương, hoạt động xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi ở những tháng cuối năm. Nếu 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt hơn 90 triệu USD, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2022, thì đến tháng 10 con số này đã tăng lên thành 164,23 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2022. Toàn tỉnh có 120 DN với gần 300 cơ sở sơ chế, chế biến thủy hải sản nhỏ lẻ, tổng công suất khoảng 250 ngàn tấn thành phẩm/năm.

 

Đầu tư mặt hàng lợi thế

Tương tự Công ty Tứ Hải, cơ sở chế biến hải sản Năm Cường (TT.Long Hải, huyện Long Điền) cũng chỉ chuyên một mặt hàng xuất khẩu là cá trích, phục vụ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. “Trước đây tôi cũng xuất khẩu nhiều mặt hàng qua thị trường Trung Quốc nhưng rất bấp bênh, cơ sở nhỏ, không cạnh tranh lại các công ty lớn. Tôi nhận thấy nhu cầu hải sản tươi sống, nhất là các loại có giá trị dinh dưỡng cao tại Nhật Bản và Hàn Quốc khá cao. Long Hải lại có đặc sản cá trích khá phù hợp nên tôi đã chọn kinh doanh mặt hàng này”, bà Năm Cường, chủ cơ sở cho biết.

Trải qua hàng chục năm, con cá trích đã trở thành thương hiệu, gắn liền với tên tuổi của bà Năm Cường, với sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 50 tấn qua thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cá trích là một trong những đặc sản của Long Hải, làm nên thương hiệu của sở Năm Cường. Trong ảnh: Ngư dân TT.Long Hải (huyện Long Điền)  thu hoạch cá trích.
Cá trích là một trong những đặc sản của Long Hải, làm nên thương hiệu của sở Năm Cường. Trong ảnh: Ngư dân TT.Long Hải (huyện Long Điền) thu hoạch cá trích.

Tìm lối đi riêng để tồn tại và phát triển cũng là mục tiêu của nhiều DN lớn. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, vài năm trước khi nhận thấy dịch COVID-19 làm kinh tế thế giới suy giảm, công ty đã nghiên cứu thị trường, đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để hướng tới chế biến sâu, xuất khẩu dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao chuyên phục vụ người già, người bệnh và trẻ nhỏ.

Dòng sản phẩm này đã được các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đón nhận với sản lượng xuất khẩu tăng qua từng năm. “Chúng tôi đang tất bật chuẩn bị hàng cho các thị trường này phục vụ mùa lễ, Tết cuối năm nay và năm mới. Nếu các năm trước, đơn hàng cuối năm chỉ khoảng 500 tấn thì năm nay đã tăng lên gần 1.000 tấn”, ông Dũng thông tin. 

Nhờ lối đi riêng đúng đắn này, xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 của Baseafood đạt hơn 7.500 tấn, kim ngạch 45 triệu USD, tăng khoảng 5% so với năm 2022.  

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
;
.