.
HỘI NÔNG DÂN HUYỆN CHÂU ĐỨC

Liên kết sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập

Cập nhật: 19:41, 13/10/2023 (GMT+7)

Nhiều mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất đã được thành lập giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Ngô Quốc Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng đu đủ VietGAP xã Bình Giã cho biết, vườn đu đủ 8 sào của gia đình anh hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, ước đạt 50 tấn trái.
Ông Ngô Quốc Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng đu đủ VietGAP xã Bình Giã cho biết, vườn đu đủ 8 sào của gia đình ông hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, ước đạt 50 tấn trái.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Ông Trần Lưu Thủy (SN 1970, ở ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã) là người tiên phong mang cây nha đam (giống Mỹ) về trồng trên địa bàn. Theo ông Thủy, nha đam trồng 9 tháng thì cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sau đó, đều đặn 40-50 ngày thu hoạch lứa tiếp theo. Nha đam được một công ty tại Long An thu mua, hiện nay giá từ 2.500-3.000 đồng/kg. Với 6 sào trồng nha đam, mỗi đợt thu hoạch 18 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Thủy thu lợi gần 30 triệu đồng. 

Thấy hiệu quả, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã tìm đến mua giống nha đam về trồng. Để liên kết sản xuất, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, năm 2019, Hội Nông dân xã Bình Giã đã thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng nha đam Bình Giã, ông Trần Lưu Thủy làm tổ trưởng, cùng với 13 thành viên, diện tích canh tác hơn 10ha.

Định kỳ hằng tháng, các thành viên trong tổ họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nha đam theo hướng hữu cơ. Đến nay, việc sản xuất kinh doanh của các hộ thành viên đi vào nền nếp, cho thu nhập ổn định.

Cũng sản xuất nông nghiệp nhưng 11 hộ dân ở các ấp: Gia Hòa Yên, Lộc Hòa (xã Bình Giã) lại thành lập Tổ hợp tác trồng đu đủ, tổng diện tích khoảng 13ha. Trong đó, canh tác theo mô hình VietGAP khoảng 5ha, 8ha còn lại trồng theo hướng sạch, an toàn.

Ông Ngô Quốc Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng đu đủ xã Bình Giã cho biết, 1 sào đu đủ cho thu hoạch từ 5-7 tấn trái/năm. Đu đủ chín được Công ty A Cón ký hợp đồng thu mua ổn định với giá 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lợi 50% trên tổng doanh thu.

Hướng đến thành lập HTX

Theo Hội Nông dân huyện Châu Đức, đến nay huyện đã thành lập được 140 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu như: trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi dê, nuôi cá nước ngọt…

Việc xây dựng và phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp không chỉ tạo tiền đề phát triển các hình thức kinh tế tập thể HTX mà còn tạo nhiều sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Hiệu quả từ các chi, tổ hội nghề nghiệp góp phần tăng tỷ lệ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện.

“Mục tiêu chung là tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi, tổ hội nghề nghiệp. Với các mô hình trồng nha đam, đu đủ tại xã Bình Giã, hướng tới sẽ thành lập HTX, để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức Thân Xuân Động cho hay.

Bài, ảnh: DƯƠNG HÙNG-NGUYỄN HẠNH

 
.
.
.