9 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn 24% so với cả năm 2022.
Chăm sóc vườn sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu tại Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Ảnh: VÂN ANH |
Số liệu trên vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố dựa trên tính toán từ cơ quan hải quan. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, chuối, thanh long đóng góp lớn vào tăng trưởng. Với sầu riêng, từ vị trí thứ 4 trong nhóm các loại quả, vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu, vượt cả chuối và thanh long để gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Loại này cũng dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD tháng tới.
Hiện Trung Quốc là quốc gia nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 8 tháng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 64% thị phần.
Tiếp theo là xuất khẩu thị trường Mỹ đạt trên 168 triệu USD, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc đạt 148 triệu USD, tăng 18%; Nhật Bản là 123 triệu USD, tăng 6%...
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), các mặt hàng rau quả Việt ngày càng rộng cửa xuất khẩu. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nửa cuối năm, nếu chanh dây được xuất vào Mỹ, dừa tươi xuất chính ngạch sang Trung Quốc, mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch cả năm 2023 trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hàng Việt cần nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo thêm uy tín với khách hàng. Hiện, nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam tăng trưởng nóng về sản lượng nhưng gặp nhiều hệ lụy khi xuất khẩu ồ ạt.
BẢO NGÂN
(Tổng hợp)