Triển khai đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Thứ Tư, 27/09/2023, 09:30 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 27/9, Sở TN-MT tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 2066/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ đến từ Trung tâm Công nghệ Môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường) – Chủ nhiệm đề án báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng đề án “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
PGS-TS Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ Môi trường - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường), Chủ nhiệm đề án báo cáo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương có liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe PGS-TS Phùng Chí Sỹ đến từ Trung tâm Công nghệ Môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường) - Chủ nhiệm đề án báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng đề án “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn; các giải pháp đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn; phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Các em học sinh trường Tiểu học Long Sơn 2 thực hiện phân loại rác tại nguồn
Học sinh Trường Tiểu học Long Sơn 2 (TP.Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Đồng thời, áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn. Qua đó góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…

Hội nghị cũng có một số báo cáo tham luận như: thực trạng và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.Vũng Tàu và huyện Châu Đức.

Tin, ảnh: QUANG VŨ

 

 
;
.