Petrovietnam đã trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước

Thứ Bảy, 09/09/2023, 14:23 [GMT+7]
In bài này
.

Petrovietnam đã trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Đó là khẳng định của ông Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tại Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, định hướng về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị và đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Petrovietnam tổ chức, diễn ra ngày 8/9.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kết luận hội thảo
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kết luận hội thảo

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án tham dự và chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, với 62 năm truyền thống và 48 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Đến nay, Petrovietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Người lao động Vietsovpetro thực hiện bảo dưỡng chân đế giàn khoan
Người lao động Vietsovpetro thực hiện bảo dưỡng chân đế giàn khoan

Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Petrovietnam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 41-NQ/TW. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW đã xuất hiện những tình huống mới, những khó khăn, thách thức tác động đến phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, của Petrovietnam như: phạm vi, địa bàn hoạt động, cơ chế chính sách, khó khăn về thị trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Những khó khăn, thách thức đó cần được phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, trên cơ sở đó đề xuất với Đảng, Nhà nước về các điều chính chiến lược của ngành dầu khí, của Petrovietnam trong thời gian tới.

Hội thảo đã tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam; Cách tiếp cận và tư duy mới về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trong tình hình mới; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phát triển ngành dầu khi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Phát triển hạ tầng dự trữ và hoàn thiện cơ chế chính sách kinh doanh xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; Phát triển ngành dầu khí Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - đối ngoại…

Các đại biểu cũng đã kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo bắt kịp xu hướng thời đại, cũng như tháo gỡ những tồn tại, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù riêng đảm bảo phát triển ngành Dầu khí nhanh, bền vững, cần sớm trình Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết mới về “Định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những ý kiến tại hội thảo sẽ được Tổ Biên tập tiếp thu, tổng hợp, chắt lọc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Đề án trình Bộ Chính trị.

Tin, ảnh: HÀ AN

 

;
.