Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế và làm giàu bền vững.
Ông Lê Văn Tường (bên phải), chủ trang trại Minh Quang trao đổi quy trình trồng nhãn VietGAP với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc. |
Năng động, sáng tạo
Nhận thấy nhu cầu chơi lan của người dân ngày càng nhiều, đầu năm 2020, anh Phạm Thành Tài (SN 1990, ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) quyết định khởi nghiệp từ trồng hoa lan. Bước đầu, anh chuyển đổi 5 sào mít Thái, đầu tư hơn 200 triệu đồng làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống nước tưới, ươm hơn 3 ngàn cây lan dendro các loại.
Để chăm sóc tốt vườn lan, anh tìm tòi học hỏi từ sách báo, mạng internet và tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng lan do các cấp Hội Nông dân tổ chức.
Theo anh Tài, trồng hoa lan không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn đem lại thu nhập khá. Sau gần 4 năm, vườn lan của anh có khoảng 75 ngàn giò lan dendro với đủ các màu sắc. Trung bình mỗi tháng, anh Tài xuất bán gần 3 ngàn giò lan cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Những chậu không đạt yêu cầu, anh cắt cành bán cho các shop hoa. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Tài thu được từ 20-25 triệu đồng.
Còn nông dân Lê Văn Tường (SN 1968, ở ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã thành công với mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng theo hướng VietGAP.
Ông Tường cho biết, năm 2007, được ngành nông nghiệp và Hội Nông dân tỉnh, huyện tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông đã chuyển đổi từ trồng mì sang trồng nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. “Từ khi chuyển qua trồng nhãn xuồng, thu nhập của gia đình khá hơn. Nhưng để tránh tình trạng được mùa mất giá, 3 năm nay tôi làm thêm sản phẩm nhãn sấy khô. Sản phẩm nhãn sấy Minh Quang của trang trại đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022, được hệ thống siêu thị Co.opmart thu mua, nên rất yên tấm trong sản xuất”, ông Tường cho biết thêm.
Hiện nay, vườn nhãn của ông Tường cho thu hoạch từ 8-9 tấn/ha/năm. Kết hợp với nhãn sấy, sau khi trừ các khoản chi phí trong sản xuất, gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Trang trại Minh Quang còn liên kết với các hộ trồng nhãn trong vùng để sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Với những nỗ lực của bản thân, ông Lê Văn Tường nhiều năm liền đều đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp; năm 2022, ông Tường được Trung ương Hội Nông dân Việt Năm tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2017-2022.
Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh có 148.370 lượt hộ nông dân đạt SXKD giỏi các cấp; trong đó cấp Trung ương 629 lượt hộ, đạt cấp tỉnh 6.199 lượt hộ, cấp huyện 33.589 lượt hộ và đạt cấp cơ sở 107.993 lượt hộ. 3 nông dân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 685 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 3 hội viên nông dân được chọn là Công dân ưu tú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Tạo động lực thi đua
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về cây-con giống, vốn, khoa học kỹ thuật; đào tạo nghề; liên kết sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Từ phong trào SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại xã Bàu Chinh, tổ hợp tác trồng sầu riêng tại xã Xà Bang, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch tại HTX Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức); nhãn xuồng cơm vàng xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc); mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Chợ Bến (huyện Long Điền); trồng nấm bào ngư tại xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ); sản xuất rau thủy canh tại huyện Côn Đảo…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Mai Minh Quang, phong trào “Nông dân thi đua SXKD, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, phong trào tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với bà con nông dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
“Phong trào đã tạo động lực thúc đẩy hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm thế mạnh, sản xuất theo chuỗi, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, ông Mai Minh Quang cho hay.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG-PHONG VŨ