NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Chung cư cũ, khu tập thể xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân và cả các cấp quản lý. Cần có biện pháp xử lý nhanh chóng những dự án cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà chung cư, tập thể cũ và di dời người dân.
Trước thực trạng các chung cư, nhà tập thể cũ xuống cấp, việc bảo đảm an toàn cho người dân sống trong các chung cư cũ xuống cấp là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trong ảnh: Người dân sống trong khu tập thể xí nghiệp in. |
DI DỜI DÂN ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN
Ngày 18/3/2021, Sở Xây dựng có văn bản 926/SXD-QLXD về việc thông báo kết quả khảo sát, đánh giá chi tiết về an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở đã xác nhận công trình Khu tập thể xí nghiệp in (26, Lê Lai phường 3) khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ (cấp độ C).
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, việc di dời dân ra khỏi các công trình có cảnh báo nguy hiểm cục bộ trước hết là để bảo đảm an toàn cho người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ. Ngoài ra, công trình Khu tập thể nhà báo (39 Lê Lai, phường 1) - Khu tập thể xí nghiệp in Lê Lai nằm trong danh mục thu hồi của hai dự án đầu tư đường Thống Nhất (nối dài) và dự án cải tạo nâng cấp đường Lê Lai (đoạn từ đường Thống Nhất đến Trương Công Định). Trong đó, căn nhà khu nhà tập thể này có một phần nhà đất nằm trong danh mục thu hồi của 2 dự án trên.
UBND TP. Vũng Tàu đã giao đơn vị tổ chức khảo sát, thuê đơn vị kiểm định chất lượng công trình. Ngày 9/3/2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 đã có văn bản báo cáo phương án tháo dỡ toàn bộ khu tập thể nhà báo - nhà in để bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng đồng thời để thu hồi một phần đất phục vụ cho 2 dự án nói trên.
Ngoài ra, chung cư 11 Đồ Chiểu cũng được UBND TP. Vũng Tàu cảnh báo công trình đã xuống cấp, rất dễ sụp đổ. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ tại chung cư, UBND TP. Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc để tiến hành di dời. Nếu các hộ dân vẫn không chấp hành việc kiểm đếm thống kê nhà ở thì ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm và xây dựng phương án cưỡng chế di dời các hộ dân ra khỏi phạm vi công trình.
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, chung cư cũ, khu tập thể xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân và cả các cấp quản lý. Đã đến lúc cần có biện pháp cứng rắn, cách làm mới thiết thực và hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng trên, gấp rút di dân và tái định cư đảm bảo an toàn tính mạng, an sinh xã hội, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Quy định về việc phá dỡ nhà chung cư, theo Khoản 2, Điều 99 Luật nhà ở năm 2014 quy định: Khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư này để xử lý theo quy định.
Trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải ban hành kết luận kiểm định chất lượng và báo cáo UBND tỉnh để thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu nhà ở. Chủ sở hữu nhà chung cư phải có trách nhiệm tháo dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy định.
|
TẠO QUỸ ĐẤT ĐỂ XÂY NƠXH
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 6 chung cư (140 căn hộ) thuộc diện nhà ở do nhà nước quản lý đã xuống cấp. Trong đó, có 4 chung cư xây trước năm 1975; 2 chung cư xây dựng trước năm 1996. Cụ thể, 2 chung cư xây dựng trước năm 1996 gồm: Khu nhà tại 183, đường Lê Hồng Phong (Phường 8, TP. Vũng Tàu) là nhà do OSC Việt Nam xây dựng và phân giao, bàn giao về địa phương cho 7 hộ gia đình thuê làm nhà ở; Chung cư Khu Đông Bắc sân bay (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) do nhà nước xây dựng và được UBND tỉnh cho phép 48 hộ gia đình thuê làm nhà ở.
Ông Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển nhà (Sở Xây dựng) cho biết, với các chung cư, nhà tập thể do Trung tâm quản lý, Trung tâm đang khảo sát, rà soát và tham mưu Sở Xây dựng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có chủ trương sửa chữa, bảo trì, cải tạo, hoặc tháo dỡ để tạo quỹ đất xây dựng NƠXH.
Hiện nay, quỹ đất để xây NƠXH trên địa bàn TP. Vũng Tàu còn khan hiếm, trong khi các chung cư này lại đều nằm ở trung tâm thành phố với diện tích lớn, phù hợp để xây dựng chung cư. Việc tháo dỡ các chung cư, nhà tập thể hết niên hạn sử dụng, xuống cấp gây nguy hiểm là cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân, tạo thêm quỹ nhà ở để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị.
Để “gỡ vướng” thực trạng cải tạo nhà chung cư cũ, thời gian tới, Sở Xây dựng dự kiến tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy định quy gom tái định cư; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần khẩn trương lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại và công bố công khai thông tin về quy hoạch này theo quy định của pháp luật để chủ sở hữu, người sử dụng hoặc liên quan biết và thực hiện.
Theo Hội Kiến trúc sư tỉnh, việc quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ cần phải được lập quy hoạch cho toàn khu, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch. Mặt khác, quy hoạch cải tạo khu chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch của thành phố. Việc điều chỉnh quy hoạch cần xem xét vị trí đặc thù. Ngoài ra, cần có những giải pháp tạo vốn từ nhiều nguồn, nhiều ý kiến ủng hộ xã hội hóa nguồn vốn.
Bài, ảnh: QUANG VŨ