Cùng với cả nước, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi thời gian ghi chỉ số (GCS) điện của toàn bộ các khách hàng về ngày cuối cùng của tháng. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu.
● Phóng viên: Thưa ông, vì sao ngành điện, trong đó có Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện thay đổi ngày GCS điện về cuối tháng?
- Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đang cung cấp dịch vụ điện cho 99,65% người dân trên cả nước. Riêng tại tỉnh, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đang có khoảng 445 ngàn khách hàng điện sinh hoạt.
Trước đây, khi hạ tầng công nghệ đo đếm điện năng chưa đáp ứng và chưa ứng dụng chuyển đổi số thì việc thống nhất lịch GCS tiêu thụ điện năng trong cùng 1 ngày cho khoảng 445 ngàn khách hàng không thể thực hiện, nên phải phân bổ lịch trong nhiều ngày của tháng, tùy theo phân loại khách hàng và khu vực.
Nhân viên Điện lực TP. Vũng Tàu thay công tơ điện tử cho các hộ dân tại khu vực phường Thắng Nhì. |
Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đo đếm theo hướng hiện đại hóa, đồng thời quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Toàn bộ khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử, có tính năng thu thập dữ liệu từ xa.
Do đó, việc thống nhất lịch GCS tiêu thụ điện năng vào ngày cuối cùng trong tháng được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả, minh bạch, dễ hiểu trong công tác quản lý hoạt động đo đếm điện năng; bảo đảm các chi phí đầu vào, đầu ra nằm trong cùng năm tài chính để ngành điện thực hiện minh bạch nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Với lịch thống nhất, khi nhận hóa đơn tiền điện khách hàng biết chắc chắn lượng điện năng sử dụng là từ ngày 1 đến ngày cuối tháng. Người dân cũng sẽ dễ nhớ hơn khi hóa đơn điện sẽ có cùng thời điểm với các dịch vụ khác để người dân tránh nhầm lẫn, quên đóng tiền.
● Có một số ý kiến băn khoăn về cách tính tiền điện trong tháng “chuyển giao” ngày GCS, ông có thể làm rõ vấn đề này?
- Trong tháng “chuyển giao”, khách hàng không trả số tiền điện của tháng trước, do số điện sử dụng không được ghi vào ngày cũ, mà chuyển về cuối tháng. Như vậy, thay vì dùng điện 30 hoặc 31 ngày phải trả tiền, khách hàng dùng 30-59 ngày mới trả tiền (tùy theo ngày GCS cũ).
Do số ngày tăng lên, lượng điện sử dụng cũng sẽ tăng. Khi đó, việc tính tiền điện vẫn được tính định mức đầy đủ theo biểu bậc thang hiện nay, và được tách làm 2 phần cho khách hàng dễ hiểu. Phần 1 là ngày ghi số điện cũ của tháng trước đó, phần 2 là ngày còn lại đến ngày cuối tháng của ngày GCS điện.
Khi đó, Phần 1 tiền điện sẽ được tính với định mức bậc thang như cũ theo đúng quy định. Còn với phần 2, định mức bậc thang sẽ được tính dựa theo số ngày còn lại về cuối tháng.
Như vậy, số tiền điện khách hàng phải trả không thay đổi theo đúng quy định bậc thang. Người sử dụng điện không chịu bất kỳ thiệt hại nào do cách tính điện này trong tháng thay ngày GCS điện.
● Về lộ trình thực hiện thay đổi ngày GCS điện về ngày cuối tháng thì sao, thưa ông?
- Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để chuyển ngày GCS điện về cuối tháng theo từng khu vực, và dự kiến chậm nhất hoàn thành vào năm 2025. Trước mắt, Công ty sẽ thực hiện tại các địa phương gồm huyện Côn Đảo, Xuyên Mộc và TP. Vũng Tàu.
Trong quá trình triển khai, Công ty sẽ gửi thông tin về thay đổi lịch GCS cũng như hướng dẫn đến từng khách hàng cách tính toán tiền điện trong tháng để hiểu và giám sát thực hiện. Đồng thời, ngành điện sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, định hướng để khách hàng thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành; đồng thời, cam kết theo dõi, xử lý kịp thời, giải đáp thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong thời gian không quá 24 giờ.
Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp điện và dịch vụ chăm sóc khách hàng trên cơ sở tuân thủ, thượng tôn pháp luật và quy định của Nhà nước.
● Xin cảm ơn ông!
QUANG VINH (Thực hiện)