Xuyên Mộc là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Xác định vai trò quan trọng của rừng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Xuyên Mộc đã vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để trồng, quản lý, duy trì và phát triển rừng.
Cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tuần tra, bảo vệ rừng. |
Tăng cường bảo vệ rừng
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu được Chính phủ công nhận là rừng đặc dụng Quốc gia. Diện tích khu bảo tồn trải dài khoảng 10.850ha trên địa phận 5 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc, Phước Bửu. Đây là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Triển khai phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020-2030 của UBND tỉnh, năm 2023, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tiếp tục duy trì quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững gần 11 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp đặc dụng; trực tiếp chăm sóc 161,69ha rừng và khoán bảo vệ hơn 1.700ha rừng…
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu cho biết, khu bảo tồn thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra trong lâm phần quản lý, xây dựng hàng rào bảo vệ và đường tuần tra phòng, chống cháy rừng phía Bắc Quốc lộ 55, triển khai phương án quản lý rừng bền vững. Đối với công tác trồng rừng, hàng năm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu trồng khôi phục mới gần 16ha rừng; khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 150ha; khoanh nuôi, nuôi dưỡng phục hồi nâng cao chất lượng 78,4ha rừng tự nhiên…
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh đứng chân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc là DN 100% vốn nhà nước, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, khai thác rừng trồng cung ứng gỗ nguyên liệu giấy; sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp; trồng cây cao su, sản xuất chế biến cung ứng mủ cao su trên diện tích rừng hơn 4.440ha. Cùng với trồng và chăm sóc rừng, công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra giữa DN với các lực lượng chức năng như: Hạt kiểm Lâm Xuyên Mộc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, UBND các địa phương trong bảo vệ-PCCR được DN thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh, ngay từ đầu năm, công ty đều xây dựng kế hoạch và giao cho các đội phụ trách theo địa bàn thực hiện. Về giống cây trồng, công ty cũng lựa chọn rất kỹ giống cây để phù hợp với thổ nhưỡng để sinh trưởng phát triển. Năm 2023, diện tích rừng được DN khai thác và đưa vào trồng lại khoảng 500ha. 9 tháng đầu năm 2023, DN đã đạt 100% kế hoạch trồng rừng.
Trồng cây gây rừng
Huyện Xuyên Mộc có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó đến 6 xã và 1 thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp; với tổng diện tích tính đến đầu năm 2023 gần 16.250ha trong đó, rừng tự nhiên gần 8.500ha và gần 6.300ha rừng trồng. Huyện xác định trồng và bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vì vậy thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động phát triển cây rừng phân tán. Cụ thể, huyện đã tích cực huy động nhiều nguồn lực mở rộng phủ xanh, đưa phong trào trồng cây gây rừng thành việc làm thường xuyên. Nhờ đó, từ đường phố, công viên, vườn hoa, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình công cộng hay trong vườn nhà…ngày càng được phủ xanh.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Xuyên Mộc trồng được khoảng 1.026ha rừng, trong đó, 16,68ha rừng đặc dụng; 971ha rừng sản xuất; 38,54ha rừng phòng hộ; khoanh nuôi tái sinh khoảng 250ha rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong 3 năm (2021-2023), toàn huyện Xuyên Mộc đã trồng được gần 886 ngàn cây xanh, đạt 76% kế hoạch cả giai đoạn. |
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, để đạt mục tiêu trồng cây phân tán, huyện yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh trồng cây-gây rừng, đặc biệt là trồng cây đúng thời vụ, thường xuyên và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư đối với sự nghiệp duy trì, phát triển rừng, tăng diện che phủ mảng xanh từ rừng.
Bài, ảnh: SONG BÌNH