Sáng 8/8, Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản và các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh lên từng tàu cá tuyên truyền IUU và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. |
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Hơn 320 cán bộ, công chức làm công tác quản lý thủy sản cấp huyện, xã, thị trấn; cán bộ, chiến sĩ lực lượng biên phòng; đại diện DN thu mua, chế biến thủy sản cùng chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã tham gia hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) để nắm bắt, thực thi và chấp hành, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về thủy sản và quy định chống khai thác IUU.
Theo Sở NN-PTNT, công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và quy định chống khai thác IUU thời gian qua được các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, lập trang thông tin điện tử, nhóm zalo, dựng bản pano. Các địa phương còn kết hợp thực hiện các chương trình như: Ăn Tết cùng ngư dân, Ăn sáng cùng ngư dân, Cà phê cuối tuần cùng ngư dân, Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, Hải quân nhận đỡ đầu con Ngư dân, Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân... đã đạt được hiệu quả cao.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, mức phạt của các nước đối với tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép rất nặng. Tại Malaysia mức phạt cho hành vi này là 5,5 tỷ đồng và phạt tù 6-12 tháng đối với chủ tàu cá, 550 triệu đồng và phạt tù từ 2-6 tháng đối với thuyền viên. Thái Lan phạt tiền từ 700 triệu đồng đến 21 tỷ đồng (tùy theo kích thước tàu cá). Indonesia sẽ tịch thu tàu, ngư cụ (hoặc bắn cháy, đánh đắm tàu) và phạt tù mức cao nhất 7 năm cùng phạt tiền khoảng 38 tỷ đồng. Philippines phạt từ 14-23 tỷ đồng, nếu bị tòa kết án sẽ bị phạt từ 28 tỷ đồng và tịch thu tất cả sản phẩm đánh bắt, ngư cụ và tàu cá. |
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển... mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển (6 chuyến) và xử phạt 100% hành vi vi phạm IUU. So với năm 2020, tỷ lệ ngư dân chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tăng gấp 1,8 lần trong năm 2021 và tăng gấp 3,35 lần trong năm 2022. Công tác đấu tranh, xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp đã tạo được sự răn đe đối với chủ tàu, thuyền trưởng.
“Trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản tỉnh đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân nói chung có chuyển biến rõ rệt trong thực hiện IUU”, ông Nguyễn Bi, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tuy nhiên, tàu cá vi phạm quy định khai thác IUU vẫn còn xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp. Gần đây, đã xảy ra 2 vụ tháo gửi thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh đã xử phạt 27 đối tượng/45 tàu cá với tổng số tiền đã nộp phạt hơn 3,6 tỷ đồng và tước 21 văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 3 đến 12 tháng.
Lực lượng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu kiểm tra giấy tờ tàu cá tại cảng Cát Lở. |
Các vụ tàu cá tàu cá vượt ranh giới trên biển, mất kết nối giảm đáng kể nhưng vẫn còn xảy ra. Từ ngày 28/12/2022 đến nay, Trung tâm giám sát tàu cá của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trực theo dõi hệ thống giám sát tàu cá 24/24 giờ, đã phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời 11 phương tiện vượt ranh giới trên biển sang vùng biển Indonesia; 1.787 phương tiện mất kết nối trên 6 giờ, 33 phương tiện mất kết nối trên 10 ngày, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 16 tàu cá với tổng số tiền phạt là 365 triệu đồng. Chi cục Thủy sản cũng đã ra quyết định xử phạt 29 trường hợp vi phạm hành chính về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình tàu cá với tổng số tiền 627 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tham gia 6 văn phòng đại diện kiểm tra kiểm soát nghề cá tại các cảng cá còn mỏng, chủ yếu là nhân viên kiêm nhiệm, không chuyên trách. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá còn gặp khó khăn. Sản lượng thủy sản khai thác của toàn tỉnh được theo dõi, giám sát qua cảng cá chưa đầy đủ theo quy định (từ đầu năm 2023 đến nay mới đạt khoảng 16%); tàu cập cảng chỉ định theo quy định mới đạt khoảng 45%. Nhật ký khai thác hầu hết là chép lại sau khi kết thúc chuyến biển, chưa đảm bảo độ tin cậy, còn tình trạng tàu cá cập cảng không nộp nhật ký khai thác.
Đại diện Sở NN-PTNT cho biết, sở cùng các ban, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và tại các cảng cá về công tác chống khai thác IUU và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm. Các mức xử phạt vi phạm quy định về IUU rất nặng, có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân (tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, không trang bị và duy trì hoạt động máy giám sát hành trình, không ghi nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải hải sản, đánh bắt qua vùng biển nước ngoài,…) và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH