SỔ TAY

Chủ động nguồn nguyên liệu để tăng sức cạnh tranh

Chủ Nhật, 06/08/2023, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 4/8, Công ty CP Sản xuất container Hòa Phát đã bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet cho Công ty TNHH New Way Lines, đồng thời ký kết hợp đồng tiếp theo với số lượng 500 container loại 20 feet. Đây là lô hàng đầu tiên mà Hòa Phát xuất ra thị trường sau 2 năm đầu tư dự án nhà máy sản xuất vỏ container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng (TX.Phú Mỹ). 

Hòa Phát xuất khẩu lô hàng container đầu tiên trong bối cảnh phải đối diện với thách thức mới khi container đang chất đầy ở các cảng biển, rơi vào khủng hoảng thừa, cùng với đó phải cạnh tranh với 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất. Theo lãnh đạo tập đoàn này, nhà máy sản xuất container Hòa Phát có tổng công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến từ 20 - 40 feet. Giai đoạn 1 công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Với công suất này, Hòa Phát là nhà sản xuất vỏ container lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Nguyên liệu chính cho sản xuất vỏ container rỗng là thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đây là lợi thế lớn của Hòa Phát khi chủ động nguồn nguyên liệu và tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tránh các dòng thuế bảo hộ đang ngày càng phổ biến hiện nay.

Như vậy, quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại, lợi thế chủ động hoàn toàn được nguồn nguyên liệu là những yếu tố đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm vỏ container rỗng có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. 

Trên thực tế thời gian qua trong cả nước cũng đã có một số công ty hoạt động liên quan đến container nhưng phần lớn chưa hiệu quả, hầu hết là DN quy mô nhỏ sửa chữa và cải tạo container. Nguyên nhân là do container là mặt hàng đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn. Trong khi đó, các DN trong lĩnh vực này đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn nên khó đầu tư sản xuất, chưa cạnh tranh được với sản phẩm của DN lớn nước ngoài.

 Bài toán đặt ra cho các DN là cần có chiến lược cụ thể, chủ động công nghệ, nguồn nguyên liệu để gia tăng sức cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do, giảm tình trạng phụ thuộc, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

LAM GIANG

;
.