Lắng nghe, gỡ khó cho nhà đầu tư, doanh nghiệp

Thứ Ba, 29/08/2023, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến lĩnh vực TN-MT gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư cần được tháo gỡ để triển khai dự án. Đây là những vấn đề đặt ra tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Sở TN-MT với các DN, nhà đầu tư  năm 2023 do Sở TN-MT tổ chức chiều 29/8.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại DN và nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại DN và nhà đầu tư.

Nhiều vướng mắc

Thông tin đến DN, nhà đầu tư, ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, tính từ đầu năm đến tháng 8/2023, Sở TN-MT đã tiếp nhận và giải quyết đối với 14 nội dung kiến nghị của các hiệp hội, DN và nhà đầu tư. Ngoài ra, Sở TN-MT còn tham gia giải quyết kiến nghị của DN, nhà đầu tư theo chỉ đạo của tổ công tác 997. Tính đến 28/8, Sở được giao chủ trì xử lý 17 kiến nghị có liên quan. Trong đó đã tham mưu xử lý 6 kiến nghị, đang xử lý 11 kiến nghị về đất đai.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Vũ Văn Đảo, chủ đầu tư dự án bến du thuyền Marina Vũng Tàu cho biết, dự án bến thuyền du lịch được Ban Quản lý các KCN cấp theo Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012 với hai mục tiêu chính là “xây dựng bến thuyền du lịch và các công trình phụ trợ; sản xuất cano, tàu thuyền bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường”. Dự án gồm hai phần: phần đất và phần mặt nước để neo đậu, hạ thủy, chạy thử. Năm 2013, UBND tỉnh chấp thuận bổ sung phần mặt nước liền kề dự án bến thuyền du lịch để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ sở để các sở, ngành làm thủ tục giao và cho DN thuê vùng mặt nước trước bến để hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, tại nhiều cuộc họp, cơ quan quản lý cho rằng, không thể giao mặt nước cho DN. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời thẩm quyền cho thuê đất mặt nước là UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết thủ tục cho thuê. “Vướng mắc trên tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết, nên hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn”, ông Đảo nói.

Ông Đoàn Văn Đức, chủ đầu tư dự án Cảng nội địa Đức Hạnh, TX. Phú Mỹ cho hay, cảng có diện tích 10ha và đều là đất sạch, phù hợp quy hoạch sử dụng đất. “Nhiều năm qua, chúng tôi muốn chuyển mục đích sử dụng đất, đóng thuế cho nhà nước để có thể làm các thủ tục tiếp theo. Nhưng đến nay vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất được nên chưa thể thực hiện được các thủ tục xây dựng”, ông Đức cho biết.

Còn ông Lê Viết Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà (HODECO) phản ánh, trong số rất nhiều dự án mà công ty đầu tư có dự án khu nhà ở phía Đông đường 3/2. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 4,7ha trong đó có một phần đất công với diện tích 1,8ha. Tuy nhiên, sau này khi UBND tỉnh có quyết định tách dự án độc lập thì 1,8ha diện tích đất công nói trên được tỉnh tổ chức đấu giá và đã có nhà đầu tư trúng đấu giá. Đáng nói là 1,8ha đất công lại đấu giá trên quy hoạch của dự án khu nhà ở phía Đông đường 3/2; trong khi đó quy hoạch của dự án cũng không được điều chỉnh. “Vì vậy, đến nay HODECO không thể thực hiện được dự án, chậm triển khai hoạt động kinh doanh; đồng thời ảnh hưởng đến quy hoạch chung của dự án”, ông Lê Viết Liên nói.

Trong khi đó, theo ông Đậu Thế Anh, chủ đầu tư dự án KDL Hồ Mây, dự án KDL Hồ Mây hiện đang “kẹt” giữa 2 quy hoạch: quy hoạch 1/500 và quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất thì đất KDL Hồ Mây là đất bảo tồn thiên nhiên, nếu DN triển khai dịch vụ thì phải thuê môi trường rừng. Tuy nhiên, theo quy hoạch 1/500 thì đây được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ. “Chúng tôi đang chờ ý kiến của tỉnh theo quy hoạch nào để làm theo quy hoạch đó cho phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xử lý, DN kiến nghị tỉnh, Sở TN-MT không tính tiền thuê đất của DN. Tiền thuê đất chỉ tính khi dự án được triển khai”, ông Đậu Thế Anh kiến nghị.

Đồng hành, gỡ khó cho DN, nhà đầu tư

Theo Sở TN-MT, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết các kiến nghị của DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Với những vấn đề DN, nhà đầu tư phản ánh, hiện nay việc xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn trong việc áp dụng phương pháp thặng dư, kéo dài thời gian, gây khó khăn cho DN. Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ TN-MT và các Bộ có liên quan chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật có nhiều nội dung còn dẫn đến nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau dẫn đến lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục môi trường, phải lấy ý kiến hướng dẫn của cơ quan trung ương. 

Đối với lĩnh vực khoáng sản cũng còn nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục nạo vét duy tu khu nước trước bến, cảng biển có sử dụng vật liệu nạo vét để san lấp; việc thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng vật chất nạo vét được sử dụng để san lấp của các doanh nghiệp cảng biển đã thực hiện  trong giai đoạn từ năm 2017-2021…

Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở TN-MT sẽ ghi nhận các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của DN, nhà đầu tư. “TN-MT là một ngành nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương. Do đó, Sở TN-MT mong các DN, nhà đầu tư thông cảm, chia sẻ. Đồng thời, Sở TN-MT cũng sẽ nỗ lực hết mình, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Hải nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.