Kiến tạo môi trường sống trong lành - Kỳ 2: Kiểm soát, xử lý triệt để "điểm nóng" ô nhiễm
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số “điểm nóng” về ô nhiễm. Đây là vấn đề mà tỉnh sẽ tập trung xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
Những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đang được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Trong ảnh: Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải xả ra môi trường của Công ty TNHH Kbec Vina. |
Liên tục xả thải ra môi trường
Trong đợt kiểm tra, giám sát tình hình BVMT tại Bà Rịa-Vũng Tàu vừa qua, bà Hoàng Thanh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam (Bộ TN-MT) chỉ rõ, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ) chính là “điểm nóng” nhất về ô nhiễm môi trường tồn tại nhiều năm qua mà tỉnh chưa thể xử lý.
Trong đó nghiêm trọng nhất là việc Công ty TNHH Kbec Vina liên tục bị bắt quả tang xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Cụ thể, năm 2018, công ty bị UBND tỉnh phạt 682 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện công ty lén lút chôn lấp chất thải nguy hại lẫn với chất thải sinh hoạt thông thường.
Ngày 30/9/2022, một đoạn đê bao bãi chôn lấp của công ty bị vỡ, làm nước rỉ rác chảy tràn ra khu đất của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Tháng 10/2022, Đoàn Thanh tra Bộ TN-MT đã xử phạt công ty số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và buộc đóng cửa bãi chôn lấp số 2 giai đoạn 2. Cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt công ty gần 1,3 tỷ đồng vì có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Đồng thời, công ty còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động xả thải sau hệ thống xử lý nước thải ra môi trường (cánh đồng tưới) trong thời hạn 4,5 tháng.
Trong khi chưa khắc phục xong các lỗi vi phạm này thì ngày 10/5 cơ quan chức năng lại phát hiện công ty tiếp tục xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tại thời điểm bắt quả tang, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm công nhân đang dùng máy bơm nước rỉ rác chưa qua xử lý ra suối Giao Kèo.
Trước đó, cũng tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, ngày 28/10/2022, nhà máy xử lý và chế biến các chất thải lỏng của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam bị rò rỉ. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường, bờ tường phía Tây Bắc của khu hồ chứa chất thải lỏng sinh hoạt (nguyên liệu xử lý của nhà máy) bị đổ sập, toàn bộ nước thải chứa trong hồ (khoảng 5.000m2) chảy toàn bộ ra diện tích đất liền kề. Sau đó, nước thải tiếp tục chảy vào phần đất của công ty thuộc quản lý của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) rồi chảy ra suối Giao Kèo, hướng về phía đập tràn Châu Pha sau đó được ngăn chặn.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thông tin, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri đã phản ánh ngoài ô nhiễm tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thì hoạt động xả thải của các nhà máy thép trong KCN Phú Mỹ 1 gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tháng 10/2022, Sở TN-MT đã kiểm tra, lấy mẫu và ghi nhận Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ xả thải vượt quy chuẩn gấp 10 lần.
Nhân viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Mỹ 1 kiểm tra các thông số kỹ thuật tại trạm quan trắc tự động. |
Ngoài ra, công tác BVMT của tỉnh vẫn còn tồn tại một số bất cập như: các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt chậm thực hiện; chưa xử lý dứt điểm rác thải tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát, huyện Côn Đảo. Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chưa triển khai đồng bộ. Việc triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng và quản lý hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên còn chậm, dẫn đến việc xảy ra tình trạng phát thải tại một số nơi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, hoạt động rà soát, di dời các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản trong các khu dân cư vào các CCN, vùng tập trung còn chậm. Công tác bảo vệ, trồng, chăm sóc, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái chưa hoàn thành theo kế hoạch...
Nhiều giải pháp ngăn chặn
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, từ 12 “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, đến nay toàn tỉnh chỉ tồn tại 6 điểm nóng. Các “điểm nóng” về môi trường hiện đang được kiểm soát chặt chẽ và tiến tới xử lý triệt để. Cụ thể, đối với hoạt động chăn nuôi, trong năm 2020, cơ quan chức năng đã thực hiện di dời 31 trại nuôi heo và 24 trại chăn nuôi gà. Năm 2021, UBND tỉnh đã cấp tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi với 4 địa phương: TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ và 2 huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Vài năm gần đây, ô nhiễm do xả thải từ hoạt động chăn nuôi đã giảm đáng kể.
Với hoạt động chế biến hải sản khu vực Cửa Lấp, đến nay, tất cả 33 cơ sở do cấp tỉnh quản lý đều có hệ thống xử lý nước thải. Sở TN-MT cũng phối hợp với các cơ quan, chuyên gia môi trường khảo sát để đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm khu vực xung quanh Trường Mầm non Cỏ May; trong đó, giải pháp trọng tâm là di dời các cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động tại khu vực Phước Cơ về khu chế biến hải sản tập trung. Bên cạnh đó, hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II đã và đang được giám sát công tác BVMT chặt chẽ.
Công tác thực thi pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ TN-MT về thủ tục, trình tự các bước thực hiện trong việc sử dụng tiền ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường. Ngoài ra, các bộ chưa có hướng dẫn về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nên việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng gặp khó khăn, nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
(Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, đối với hoạt động chế biến hải sản khu vực Tân Hải và cống số 6 (TX.Phú Mỹ), việc thực hiện Đề án cải tạo và khắc phục môi trường đầm chứa nước trước cống số 6 đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng đầm nước, nguồn nước, không còn gây tác động đến hoạt động nuôi trồng thủy sản đối với sông Chà Và.... Đồng thời, việc áp dụng triển khai thí điểm giải pháp xử lý mùi hôi tại Nhà máy chế biến bột cá theo công nghệ Nhật Bản đã mang lại kết quả tốt. Mô hình này đang được theo dõi và có thể cho áp dụng rộng rãi đối với các cơ sở sản xuất bột cá trên địa bàn toàn tỉnh.
Để góp phần tạo diện mạo mới về môi trường, đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý, tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường. “Với các “điểm nóng” còn tồn tại như Đoàn giám sát đã nêu, ngành TN-MT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ; đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm để môi trường sống của người dân ngày càng chất lượng hơn”, ông Đặng Sơn Hải khẳng định.
Bài, ảnh: QUANG VŨ