Chàng trai Đất Đỏ khởi nghiệp với trà lê-ki-ma
Tôi tình cờ biết đến một loại trà làm từ trái lê-ki-ma. Thú vị hơn, chủ nhân làm ra loại trà là một chàng trai quê ở huyện Đất Đỏ, anh Nguyễn Hữu Hiếu, sinh năm 1984.
Nguyễn Hữu Hiếu đóng gói trà chuẩn bị giao cho khách. |
Một ngày đầu tháng 8, tôi hẹn gặp Hiếu tại cơ sở sản xuất trà lê-ki-ma, nằm trong con hẻm nhỏ thuộc tổ 8 (khu phố Thanh Bình, thị trấn Đất Đỏ). Bước chân vào khuôn viên, chúng tôi bị thu hút bởi hương thơm phảng phất tỏa ra từ công đoạn sao rang trà.
Vừa châm tách trà lê-ki-ma mời khách, Hiếu vừa chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình. Sinh ra và lớn lên ở Đất Đỏ, lê-ki-ma đã thân thuộc, trở thành món ăn ưa thích suốt những năm tuổi thơ của Hiếu. Lớn lên, hiểu thêm về truyền thống quê hương Đất Đỏ anh hùng, Hiếu càng tự hào vì loài hoa này đã trở thành biểu tượng trong thi ca cách mạng Việt Nam cùng với hình tượng bất tử của nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Năm 2013, trong một lần đến Công viên tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, ngồi dưới tán cây lê-ki-ma, thấy trái chín vàng rụng đầy gốc, Hiếu chợt nảy ra ý định làm gì đó cho quê hương từ loại trái cây này.
Trở về nhà, Hiếu phác thảo ý tưởng làm trà lê-ki-ma. Hiếu lên mạng lần tìm công dụng, tham khảo người thân về ý định đưa trái lê-ki-ma vào làm trà. Mọi người ủng hộ, nhưng do chưa có vốn nên Hiếu chỉ lẳng lặng ấp ủ, tích lũy.
Tháng 6/2022, sau khi tích cóp được một số vốn nhỏ, cộng với nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hiếu mạnh dạn bắt tay khởi nghiệp với mô hình làm trà le ki-MDD (lê-ki-ma - miền Đất Đỏ).
Hành trình khởi nghiệp với Hiếu không dễ dàng gì. Lê-ki-ma cho trái quanh năm, nhưng chính vụ từ tháng 4 đến tháng 9. “Trái chín rất nhanh. Khi chín rục phần thịt bên trong nhão ra thì chỉ bỏ đi. Tôi phải ghi chép kỹ khoảng thời gian cây ra hoa, rồi lui tới ngó chừng để kịp thu hoạch khi màu trái vừa hườm hườm vàng”, Hiếu kể.
Một mình tìm nguyên liệu, thu hoạch, rồi cũng một mình làm thủ công khâu sơ chế, cắt sợi, sấy khô, rang, thiết kế bao bì, giỏ… Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm làm ra chưa đúng theo ý muốn, lúc quá lửa, lúc chưa tới, Hiếu phải bỏ đi rất nhiều.
Sau nhiều lần kiên trì, tích lũy kinh nghiệm và nghiên cứu, học hỏi, đến đầu năm 2023, Hiếu làm ra trà lê-ki- ma đúng với hương vị mong muốn. Trà có màu vàng ươm, mùi thơm đặc trưng. Cùng thời điểm này, Hiếu bắt tay thực hiện song song các thủ tục đăng ký kinh doanh, kiểm nghiệm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu…
Đầu tháng 7, lô hàng đầu tiên là 300 phần được khách đặt. “Tôi vui lắm. Công sức cố gắng cuối cùng cũng đã có người biết đến”, Hiếu chia sẻ.
Vượt qua thử thách đầu tiên, Hiếu sản xuất nhiều hơn và gửi bán tại một số điểm di tích trên địa bàn như Công viên tượng đài Võ Thị Sáu, căn cứ Minh Đạm… “Tôi chưa nghĩ đến bán đại trà mà mong muốn trở thành sản phẩm đại diện đặc trưng cho Bà Rịa-Vũng Tàu trong khánh tiết, biếu tặng ngoại giao”, Hiếu nói.
Trà le ki-MDD có 2 mẫu: hộp giấy 150gr và túi zip 250gr đồng giá 150 ngàn đồng. Hiếu chia sẻ: “Không phải trái lê-ki-ma nào cũng có thể mang đi làm trà, mà phải canh độ chín phù hợp và đặc biệt chỉ trái của những cây chưa bị lai ghép mới cho ra những mẻ trà thơm, đậm đà, màu sắc đẹp, đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Về lâu dài tôi dự định sẽ xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 1 ha ngay tại Đất Đỏ nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào chất lượng”.
Đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp của Hiếu, ông Trần Phước Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đất Đỏ cho biết, địa phương xem đây là sản phẩm đặc trưng và tạo mọi điều kiện để đưa sản phẩm le ki-MDD đến với khách du lịch, người tiêu dùng nhiều hơn.
Sắp tới, trong các hoạt động kết nối về du lịch, đối ngoại, chắc chắn sản phẩm le ki-MDD sẽ là quà lưu niệm đặc sản độc đáo của địa phương. “Chúng tôi cũng đã đăng ký với huyện Đất Đỏ sản phẩm OCOP trong năm 2024 đối với trà le ki-MDD và phối hợp với các ngành chức năng của huyện tham mưu để có sự hỗ trợ thiết thực cho mô hình khởi nghiệm trên”.
Bài, ảnh: MỸ LƯƠNG