Thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 đến nay đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rào cản khiến cho việc thực hiện chương trình này chưa đạt mục tiêu đề ra.
Các đại biểu tham dự hội thảo tham khảo mẫu gạch không nung của Công ty CP Đại Hồng Sơn (TX. Phú Mỹ). |
Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung”, diễn ra ngày 11/8 tại TP. Vũng Tàu.
Khó về chính sách, khó cả đầu ra
Báo cáo tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) cho biết, VLXKN là một trong những phát minh xanh trong lĩnh vực xây dựng nói chung và trong lĩnh vực VLXD nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ xây dựng, sản xuất VLXKN đã góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường. Tỷ trọng sử dụng gạch không nung trong cả nước đạt hơn 21% so với tổng vật liệu xây, tương đương 6,8 tỷ viên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện sản xuất và sử dụng VLXD không nung còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Khải Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sản phẩm VLXKN mới bước đầu đi vào sản xuất, tiếp cận thị trường nên việc kiểm soát, duy trì và nâng cao chất lượng còn gặp một số khó khăn về mặt kỹ thuật. Đặc biệt, VLXKN có trọng lượng, kích thước, màu sắc và giá thành sản phẩm chưa thực sự phù hợp, hấp dẫn với người thợ thi công, chủ đầu tư, nhà thầu thi công nếu so sánh với gạch đất sét nung truyền thống. “Do đó, khi thi công xây các cấu kiện phức tạp, các cấu kiện có tính chất khi hoàn thiện phải neo vào khối xây và làm tăng tải trọng bản thân của công trình, làm tăng chi phí xây dựng công trình”, ông Bình nói.
Do thói quen sử dụng gạch nung đã có từ lâu đời, vì vậy các chủ đầu tư (vốn ngoài ngân sách) và người dân chưa mạnh dạn thay đổi, sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng. Bên cạnh đó, gạch xây không nung có hiện tượng nứt, thấm hút nước nhanh hơn gạch nung… do một số nhà sản xuất chưa thực sự hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm nên làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng.
Ông Triệu Minh Lượng, Giám đốc Công ty CP Đại Hồng Sơn (tổ 6, ấp Tân Trung, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) cho biết, công ty hiện đang sản xuất với công suất hơn 30 triệu viên gạch không nung các loại mỗi năm. Nhưng từ khi đi vào sản xuất đến nay (năm 2014), công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn về giá thành sản phẩm, nguyên liệu đầu vào và cả thị trường đầu ra. “Đặc biệt, khi mở rộng lĩnh vực đầu tư sản xuất VLXKN lại chưa thật sự được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục vụ dự án sản xuất VLXKN hoặc chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian xây dựng nhà máy và thuế sử dụng đất. Ngay cả khi công ty sản xuất không có lãi nhưng vẫn không nhận được ưu đãi về thuế”, ông Lượng nói.
Gỡ rào cản về chính sách
Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, Trưởng đại diện văn phòng phía Nam - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân của hạn chế trên là do các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. DN đầu tư chưa được hưởng ưu đãi như chính sách đã ban hành (miễn giảm các loại thuế đối với nhà đầu tư sản xuất vật liệu nhẹ). Một số địa phương chưa thực hiện triệt để lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam giai đoạn 2021-2030, theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 09/2021/NĐ-CP về Quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1266/QĐ – TTg ngày 18/8/2021 có nội dung tiếp tục đầu tư phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung, sản lượng sản xuất VLXKN chiếm tỷ trọng so với tổng lượng gạch xây khoảng 35-40% vào năm 2025; 40-45% vào năm 2030; đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo quy định. Để đảm bảo mục tiêu trên, ông Tống Văn Nga đã nêu ra 3 nhóm giải pháp chính, bao gồm: giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật và nhóm giải pháp về đào tạo, thông tin, tuyên truyền.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai Chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng từ năm 2010. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị tiên phong đầu tư sản xuất VLXKN, với tổng công suất đạt khoảng 180-200 triệu viên/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh và một phần xuất ra ngoài tỉnh. |
Trong đó, việc quan tâm hàng đầu là quy định tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu nhẹ đối với các công trình khác nhau theo nguồn vốn, theo vị trí địa lý và đặc thù công trình, ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập DN, đối với các dự án đầu tư sản xuất VLXKN, dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch bê tông công suất từ 20 triệu viên QTC/năm trở lên.
Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ VLXKN cần nghiên cứu những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Cụ thể miễn hoặc miễn giảm thuế VAT đối với DN sản xuất VLXKN, đặc biệt là sản xuất gạch bê-tông nhẹ; ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể. Song song đó cũng cần từng bước hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện Việt Nam, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN. Việc tuyên truyền để các nhà quản lý, nhà tư vấn, chủ đầu tư, DN xây dựng và người dân biết những ưu điểm và ưu đãi đối với sản xuất, sử dụng VLXKN cũng cần được quan tâm. Từ đó từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD hiện đại, bền vững.
Bài, ảnh: QUANG VŨ